Trên đây là lời khẳng định của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong cuộc trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị.
PV: Có ý kiến cho rằng, TPP là bộ phận cốt yếu được Mỹ sử dụng trong chiến lược “xoay trục” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương và ở đó vai trò của Việt Nam rất quan trọng. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này? Ông Trương Đình Tuyển: Đây là ý kiến rất chính xác. Có thể thấy với TPP, mục tiêu chiến lược của Mỹ là tạo động lực hình thành khu vực mậu dịch tự do trong khối APEC qua đó khiến TPP bao trùm đủ 21 nền kinh tế thành viên của khối này. Nếu thành công, rất có thể sẽ làm sống lại vòng đàm phán Doha vốn đã bế tắc từ năm 2001. Mà mục tiêu của vòng đàm phán Doha cũng rất quan trọng khi giảm các hàng rào thương mại trên phạm vi toàn cầu nhằm đảm bảo các dòng thương mại được lưu chuyển tự do giữa các nền kinh tế thuộc các trình độ phát triển khác nhau. Bên cạnh đó, với Mỹ, TPP còn là cơ sở địa kinh tế cho chiến lược “xoay trục’ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, đây cũng là một trong ba "di sản" đối ngoại của Tổng thống Obama trước khi rời Nhà Trắng vào đầu năm 2017. Với những mục tiêu trên, Mỹ đã đặt Việt Nam ở một vị trí quan trọng trong Hiệp định này. Về mặt kinh tế, với dân số đông và trẻ, trong tương lai Việt Nam sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn cho Mỹ, chỉ sau Nhật Bản. Về yếu tố chiến lược, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất nhưng vẫn tham gia vào TPP sẽ là hình mẫu để Mỹ thúc đẩy các nước khác trên vành đai Thái Bình Dương tham gia đàm phán khu vực mậu dịch tự do APEC. Ngoài ra, Việt Nam có vị trí địa chính trị rất quan trọng trong khu vực Châu Á –Thái Bình Dương, địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ với Trung Quốc. PV: Như vậy rõ ràng với TPP, Việt Nam rất quan trọng trong mục tiêu phát triển của Mỹ. Vậy Hiệp định này quan trọng như thế nào đối với Việt Nam, thưa ông? Ông Trương Đình Tuyển: Cần phải nói rằng TPP không chỉ quan trọng mà là rất quan với đường lối phát triển kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy chúng ta đã phải theo đuổi đàm phán Hiệp định này tới 8 năm mới được ký kết (2008 – 2016). Khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư rất lớn, nhất là từ các nước lớn có công nghệ nguồn như Mỹ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là mở rộng xuất khẩu, không chỉ đối với hàng công nghiệp mà còn có thể tăng hàng nông sản (bao gồm lâm, thủy sản) và nông sản chế biến sang các thị trường hiện là những nước nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam như Mỹ và Nhật Bản. Do nhiều mặt hàng thuộc những nhóm trên có thuế nhập khẩu về 0% ngay sau khi TPP có hiệu lực, điều này sẽ tạo thế cân bằng mới trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước. Ví dụ, hiện nay các nước TPP xuất khẩu vào Mỹ khoảng 836,6 tỷ USD phải nộp thuế 6 tỷ USD, trong khi Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khoảng 37,4 tỷ USD, bằng 4%, nhưng phải nộp thuế tới 2,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, TPP còn đem lại cho Việt Nam nhiều lợi thế như: Tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới; Tăng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô; Tạo dựng khuôn khổ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh Doanh; Thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng … PV: Bên cạnh thuận lợi sẽ là thách thức. Theo ông, với TPP, Việt Nam sẽ phải đương đầu với những gì? Ông Trương Đình Tuyển: Thuận lợi càng lớn thì thách thức với nền kinh tế Việt Nam là không nhỏ. Hàng hóa sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh trên nhiều cấp độ. Ví dụ, với sản phẩm nông nghiệp thách thức lớn nhất vẫn là bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Nếu không, dù thuế nhập khẩu được đưa về 0% và hàng hóa dồi dào, chủng loại phong phú nhưng chất lượng kém vẫn không xuất khẩu được. Mặt khác, nghĩa vụ thực thi các điều khoản trong TPP cũng rất nặng nề. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực thấp sẽ là một lực cản lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Và khâu có tính quyết định chính là chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh. PV: Vậy, theo ông ngay từ bây giờ Việt Nam phải làm thế nào để tận dụng cơ hội vượt qua thách thức? Ông Trương Đình Tuyển: Cần khẳng định rằng cơ hội không tự nó biến thành lợi ích hay chuyển thành sức mạnh trên thị trường mà phụ thuộc vào hành động của chủ thể. Cũng như vậy, thách thức tuy là sức ép trực tiếp nhưng dồn ép đến đâu lại phụ thuộc vào đối sách của chủ thể. Chủ thể ở đây là doanh nghiệp, người dân và nhà nước. Nếu tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam sẽ đẩy lùi được thách thức, tạo ra cơ hội mới lớn hơn. Ngược lại nếu không tận dụng được thì thách thức sẽ lấn át và sẽ chuyển thành những khó khăn dài hạn rất khó khắc phuc. Theo tôi, trước hết, các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải nắm vững những cam kết của Việt Nam và với 11 đối tác để thực thi đúng. Nếu không, sẽ bị kiện khi thực hiện không đúng cam kết và cũng không biết để kiện lại khi đối tác vi phạm. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhà nước và doanh nghiệp phải là những chủ thể quyết định sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, Nhà nước có vai trò quyết định nhất vì sẽ là chủ thể tạo ra năng lực cạnh tranh vĩ mô. Đặc biệt là sức cạnh tranh về thể chế, yếu tố quyết định nhất cho phát triển bền vững. Về phía doanh nghiệp, sẽ có không ít đơn vị không trụ nổi do sức ép cạnh tranh, có thể phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, thậm chí bị phá sản. Nhưng cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp sẽ vươn lên và phát triển. Đây là quá trình đào thải mang tính sáng tạo. Nhưng việc cấp bách nhất lúc này phải làm là đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước theo yêu cầu loại bỏ độc quyền và những ưu đãi dành riêng cũng như áp đặt kỷ luật thị trường đối với những đơn vị dạng này. Đổi mới quản trị, tách bạch chức năng hoạch định chính sách với chức năng chủ sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước trong các cơ quan quản lý. Hoàn thiện cơ chế chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước cũng đẩy mạnh cổ phần hóa cũng là những việc rất cấp bách, cần làm ngay Vâng, xin cám ơn ông!
Ông Trương Đình Tuyển: Trong TPP, Việt Nam quan trọng với Mỹ cả về kinh tế lẫn chính trị |