Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trả tiền dịch vụ 3G để dùng 2G

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chất lượng sóng 3G vẫn là bài toán đặt ra đối với các doanh nghiệp viễn thông gần đây. Việt Nam là nước có tốc độ phát triển thuê bao Mobile Internet nhanh trên thế giới.

Nhiều thuê bao đều đặn thanh toán cước 3G hàng tháng cho nhà mạng nhưng chất lượng dịch vụ yếu kém, sóng không ổn định.

Anh Luân (ở Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội) than phiền hơn một tháng gần đây thuê bao di động của mình không thể vào được 3G mỗi khi ở nhà. "Trước đây vẫn dùng bình thường, chẳng hiểu sao giờ cứ về đến cổng chưa bước vào nhà đã mất sóng 3G, máy tự động chuyển về 2G", anh nói. Khách hàng này cho hay vì công việc nên anh sử dụng Mobile Internet thường xuyên, máy tính ở nhà cũng không còn dùng Internet ADSL nữa mà phụ thuộc hoàn toàn vào mạng di động.

"Tôi không xem phim hay tải gì dung lượng lớn từ mạng nên chọn phương án phù hợp với chi tiêu, nhưng với mạng 2G thì gần như chẳng thể làm gì. Mở một trang web có khi mất tới vài phút mà nội dung còn không hiển thị hết", chủ thuê bao chia sẻ.

Trả tiền dịch vụ 3G để dùng 2G - Ảnh 1
 

Nhiều khách hàng than phiền vì chất lượng dịch vụ Mobile Internet không tương xứng với số tiền họ phải bỏ ra hàng tháng. Ảnh: Anh Quân

Anh đã liên hệ với nhà mạng và nhận được cam kết sẽ có nhân viên tới kiểm tra. "Họ đến đo đạc rồi xác nhận nơi tôi ở sóng yếu hơn bình thường và đề nghị cho lắp bộ kích sóng nhỏ trong nhà", anh thắc mắc.

Chị Lan (phố Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội), một khách hàng của nhà mạng khác gần đây cũng liên tục phải gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng để thắc mắc về dịch vụ. Chị cho hay, điện thoại thường xuyên rớt mạng Internet khi đang sử dụng, tại nhiều khu vực khác nhau như Lò Đúc, Chùa Bộc, Lê Hồng Phong... Cứ mỗi lần như vậy, chị Lan lại được nhân viên nhà mạng gợi ý khởi động lại máy để họ chạy lại mạng cho thuê bao. "Làm vậy nhiều lần, lúc được lúc không, phiền nhất là cứ phải tắt bật điện thoại".

Nhiều thuê bao di chuyển sang các địa phương khác hay đi công tác xa thường gặp trụ trặc vì chất lượng 3G. Một khách hàng hoạt động trong ngành truyền thông chia sẻ: "Công việc của mình đi nhiều, không ít lần phải đến vùng sâu, các huyện xa trung tâm. Có lần về huyện miền núi cách thành phố gần 100km, mang tiếng dùng smartphone rồi sim và USB 3G nhưng tới đây thì cũng như không".

"Cả đoàn gần 30 người nháo nhác 'hứng từng giọt' 3G từ bất kể máy ai bắt được sóng để làm việc, đợi hết người này đến người kia, cuối cùng mất sóng toàn tập, đành chịu hết", anh nói. Riêng anh sử dụng sim của 2 mạng khác nhau thì chỉ một số còn sóng để liên lạc, máy còn lại chỉ còn mỗi chức năng giải trí nghe nhạc, chơi game và chụp ảnh, mất kết nối hoàn toàn.

Chất lượng sóng 3G vẫn là bài toán đặt ra đối với các doanh nghiệp viễn thông gần đây. Việt Nam là nước có tốc độ phát triển thuê bao Mobile Internet nhanh trên thế giới. Chỉ sau khoảng 3 năm thương mại hóa đã có khoảng 20 triệu thuê bao (25% dân số) và vẫn không ngừng tăng lên, một nguyên nhân lớn khiến các nhà mạng khó phát triển được hạ tầng để theo kịp tốc độ tăng trưởng thuê bao.

Theo báo cáo của Nielsen, người dùng 3G năm 2012 tăng xấp xỉ 5 lần so với 2011 trong khi hạ tầng giữa 2 năm không có nhiều thay đổi. Nielsen cũng chỉ ra rằng tốc độ đường truyền Mobile Internet là điều khách quan tâm nhất song cũng là điểm họ chưa hài lòng. "Có tới 56% người dùng mong nhà mạng cải thiện khả năng kết nối, chất lượng mạng", bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khách hàng khu vực miền Bắc Nielsen Việt Nam cho biết.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng kinh doanh Tập đoàn Viettel nói: "3G ngày càng phổ biến, người dùng đòi hỏi trải nghiệm cao hơn, nên cả cái tốt lẫn khuyết điểm của hệ thống đều có cơ hội bộc lộ. Điều này đã tạo ra thách thức đối với nhà mạng".

Phía Mobifone chia sẻ, có những thời điểm xảy ra nghẽn mạng đột xuất do khu vực trạm phát sóng có lượng thuê bao sử dụng tăng đột xuất sẽ là trường hợp bất khả kháng khiến chất lượng sóng không được như khách mong đợi.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm (hãng công nghệ chuyên sản xuất chip tích hợp 3G, 4G cho thiết bị di động) khu vực Đông Dương nhận xét, 3G Việt Nam vẫn còn tồn tại một số bất cập như chất lượng truyền tải dữ liệu còn chậm, nội dung ứng dụng trên mạng còn thiếu... "Thời gian tới nhu cầu trao đổi dữ liệu dung lượng lớn càng gia tăng, đòi hòi các nhà mạng phải tối ưu hóa được hạ tầng viễn thông hiện có để đáp ứng nhu cầu khách hàng", ông Nam cho biết.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhận định cơ sở hạ tầng được đầu tư lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng hiện nay. Bên cạnh đó, mức phủ sóng của mạng di động trong nhà còn yếu, trong khi các ứng dụng chiếm nhiều băng thông ngày càng nhiều gây quá tải lưu lượng. Theo ông, để khắc phục cần nhiều vấn đề kỹ thuật và tăng thêm chi phí đầu tư và cũng chia sẻ thêm sớm nhất là năm 2015 mới bắt đầu tính toán câu chuyện mạng 4G tại Việt Nam.

Đầu tháng 7/2013, đại diện Viettel cho biết đang đề xuất tăng giá dịch vụ 3G. Theo ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel, hiện số thuê bao sử dụng dịch vụ này đang tăng nhanh, các dòng điện thoại thông minh bùng nổ, trong khi cước đối với dịch vụ này còn thấp.

Ông lý giải, trong thời gian đầu các nhà mạng cạnh tranh mạnh mẽ nên đặt giá cước tương đối thấp so với giá thành để mong lấp đầy lưu lượng đã đầu tư. Đến nay, mức giá quá thấp đã phát sinh một số bất cập. Dù không tiết lộ đề xuất cước mới tăng bao nhiêu, ông Trung cho hay đã có kiến nghị với Bộ về vấn đề này.