Kinhtedothi - Ngày 1/10, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015". Được đánh giá là công phu, nhưng báo cáo vẫn chưa xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân bên liên quan trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
"Vẽ" lại thực trạng
Báo cáo giám sát đã đưa ra "bức tranh" thực trạng tái cơ cấu nền kinh tế ở 3 lĩnh vực đầu tư công, DNNN, ngân hàng và chỉ ra những hạn chế, vướng mắc. Trong đó cho thấy, trong lĩnh vực đầu tư công, giải pháp cắt giảm, giãn, hoãn tiến độ các dự án được triển khai quyết liệt để kiểm soát chặt chẽ các dự án khởi công mới. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước giải ngân đạt khoảng 93%. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu - Trưởng Đoàn giám sát, hạn chế lớn trong tái cơ cấu đầu tư công là cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào khu vực công có sinh lợi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
|
Kết quả giám sát trong lĩnh vực tái cơ cấu DNNN cũng chỉ ra, trong 3 năm 2011 - 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DN (trong đó, cổ phần hóa 99 DN), dự kiến đến cuối năm 2014 sẽ có khoảng 200 DN thực hiện cổ phần hóa và toàn bộ các DN sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa vào cuối năm 2015. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đến nay là 3.940 tỷ đồng (4 tháng năm 2014 đã thoái vốn được 2.975 tỷ đồng). Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu bị đánh giá là chưa có chuyển biến đột phá, thoái vốn chậm và nhiều DN hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay, dẫn đến rủi ro cao. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết: Từ thực tế giám sát trong hệ thống ngân hàng, ngoài nợ xấu từ đầu năm 2014 có xu hướng tăng, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng cũng diễn biến phức tạp, vốn điều lệ không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng ngân hàng. Trong khi các giải pháp sắp xếp, chấn chỉnh cũng chưa có sự đột phá.
Từ thực trạng này, Đoàn giám sát đưa ra các kiến nghị về hoàn thiện thể chế, xây dựng các đề án cụ thể, cải cách mạnh nền hành chính công và tài chính công, nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi phân cấp…
Chưa rõ trách nhiệm
Báo cáo giám sát rất công phu và chi tiết này "không làm hài lòng" các thành viên UBTV Quốc hội khi được cho là chỉ như "vẽ" lại thực trạng và không khác với báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền thẳng thắn: Trong quá trình tái cơ cấu, chúng ta đã xác định được thể chế nào phù hợp, thể chế nào chưa? Tại sao chưa phù hợp, còn thiếu thể chế gì mới có thể thực hiện tái cơ cấu thành công? Đề cập cụ thể vào vấn đề tái cơ cấu DNNN, ông Nguyễn Đình Quyền đặt vấn đề: "Tập đoàn kinh tế thí điểm cổ phần bao nhiêu năm rồi, nhưng hành lang pháp lý cho các tập đoàn chỉ là văn bản thực hiện thí điểm. Trong khi các tập đoàn là xương sống của nền kinh tế, thì đổi mới, chuyển dịch cơ cấu được đánh giá như thế nào?... Quả thực báo cáo phản ánh rất sinh động. Nhưng được gì, thiếu gì và trách nhiệm các cấp như thế nào thì tôi chưa thấy bóng dáng đó". Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý Đoàn giám sát: Phải chỉ ra được trách nhiệm của các cấp, bởi "trách nhiệm phải rõ mới chuyển biến".
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét: Quốc hội ra Nghị quyết về tái cơ cấu năm 2011, nhưng đến năm 2013, Chính phủ mới trình Đề án, và đến nay, kết quả thực hiện chưa được bao nhiêu. Nhưng "hình như chúng ta rất ngại nói về trách nhiệm, nặng nhất cũng chỉ phê bình là chưa thể hiện quyết tâm cao!".
Nhấn mạnh đây là nội dung giám sát tối cao của Quốc hội, Báo cáo của Đoàn giám sát phải cung cấp "chất liệu tốt" để Quốc hội xem xét, ra nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: Nghị quyết cần ghi rõ từ nay đến năm 2015 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu cụ thể như thế nào; chủ trương, giải pháp gì để thực hiện. "Đừng nghĩ 5 năm 2011 - 2015 là xong tái cơ cấu, đó là một quá trình dài và gian khổ, nhưng phải hình dung được kết quả năm 2015 đạt cái gì, đến 2020 thế nào? Nếu Dự thảo Nghị quyết theo kiểu "cơ bản tán thành" thì sẽ rất khó thực hiện!" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, thảo luận Dự án Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), nhấn mạnh đến quy định phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, nhiều thành viên UBTV Quốc hội cho rằng, mục tiêu của phản biện xã hội là để tham gia xây dựng Nhà nước, do đó không nên giới hạn phản biện đối với dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước mà phản biện cả những văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án đã được ban hành, phê duyệt. Bởi vì, chính trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản, chương trình, dự án này mới bộc lộ những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm tốt hơn. |