Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trái cây: Ngoại “át” nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trái cây ngoại được bảo quản kỹ lưỡng, trưng ở các siêu thị mắt mắt.

Trong khi rất nhiều trái cây trong nước là đặc sản vùng miền được bán đổ đống bên đường, vỉa hè ở TP Hồ Chí Minh với giá siêu rẻ thì các loại trái cây ngoại tràn ngập tại các siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini và cửa hàng tiện ích…với giá cả “trên trời” nhưng luôn đắt khách.

Tâm lý “sính ngoại”

Gần sinh nhật sếp, chị Nguyễn Hà (nhân viên văn phòng Q.3, TP HCM) chuẩn bị giỏ quà gồm toàn trái cây ngoại gần hai triệu đồng tặng sếp. Hỏi chị sao không chọn đặc sản trong nước, chị phân trần: “Trái cây ngoại nhìn to ngon, hấp dẫn hơn trái cây của mình. Hơn nữa, tặng quà mà toàn hàng trong nước nhìn... kỳ lắm. Người ta sẽ nghĩ mình keo kiệt, tính toán”. Nghi ngờ về độ không đảm bảo an toàn của trái cây để lâu ngày mà vẫn tươi ngon, chị Hà thầm thì: “Mình mua tặng chứ có mình có ăn đâu mà lo. Miễn nhìn giỏ quà sang, đẹp mắt lại toàn hàng ngoại là thích rồi”.
  Trái cây ngoại được bảo quản kỹ lưỡng, trưng ở các siêu thị mắt mắt.
Kinhtedothi - Trái cây ngoại được bảo quản kỹ lưỡng, trưng ở các siêu thị mắt mắt.
Cũng chính vì tâm lý “sính ngoại” ấy mà cho dù trái cây ngoại nhập có giá cao gấp rất nhiều lần, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng rút hầu bao. Những ngày này, lượng trái cây ngoại đang chiếm đến hơn 70% trong những gian trưng bày đẹp nhất ở các siêu thị, cửa hàng bán trái cây trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Tri Phương, Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân, Lê Thánh Tôn… Nào là đào Bắc Kinh, xoài Đài Loan, xoài Thái, táo Mỹ, táo New Zealand, Kiwi Italy, Cherry Pháp, măng cụt Thái… với giá trung bình 100.000đ – 700.000đ/kg, cao gấp 5 - 10 lần giá trái cây nội.

Hiện nay bơ sáp, mận Mỹ cũng len lỏi và lấn lướt hàng Việt. Nếu bơ trong nước từ các tỉnh Tây Nguyên đang đổ về, giá chỉ  15.000đ - 40.000đ/kg, thì hàng Mỹ đang được nhiều hệ thống siêu thị nhập bán với giá 249.000đ - 280.000đ/kg. Tại cửa hàng trái cây quà tặng trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5), bơ Mỹ được xếp vào nhóm hàng “đặc biệt” và được bán với giá 358.000đ/kg. Loại này được giới thiệu là thơm, ngọt, bùi và luôn trong tình trạng “cháy hàng”, khách muốn mua phải đặt hàng trước vài ngày.

Bà Bảy – 10 năm kinh doanh trái cây chợ Bến Thành cho biết: “Trái cây ngoại chủ yếu được mua để làm quà tặng nhau chứ không mấy người ăn vì quá đắt. Còn người kinh doanh cũng thích buôn hàng ngoại vì trái cây trong nước chỉ cần để một, hai ngày là xuống màu, xuống ký liền. Bán lỗ vốn mà cũng không mấy người mua. Trong khi, hàng Mỹ, Úc, Thái Lan... trái vừa to, vừa ngọt, để cả tuần vẫn tươi ngon. Khách chọn hàng bằng mắt và tay, mắt nhìn đẹp, cầm nặng tay; thêm phần tiếp thị “vang trời” của người bán rằng đây là đặc sản của giới nhà giàu ngoại quốc, có tác dụng trị bệnh nữa thì chẳng khách nào không động lòng”.

Khi mà trái cây ngoại được coi như “con cưng”, ở nhà máy lạnh, có máy phun sương làm mát thì ngược lại, trái cây nội lại bị “đẩy” ra lề đường với giá rẻ như cho. Cụ thể: thanh long ruột trắng và đỏ chỉ từ 5.000đ  - 10.000đ/kg; chôm chôm 15.000đ/2kg; ổi 15.000đ/2kg, thơm 10.000đ/3 trái, cam sành 7.000đ/kg... Chị Thanh Mận (35 tuổi, nội trợ) bộc bạch: “Trái cây ngoại ngoài “tốt mã” thì chất lượng đều thua xa trái cây trong nước. Đơn cử như măng cụt Bến Tre thơm, ngọt hơn măng cụt Thái nhưng giá chỉ bằng 1/3. Chính tâm lý chuộng hàng ngoại đã đẩy giá thành lên cao chứ không phải do hàng ngoại ngon hơn hàng trong nước”.

Yếu kém ngay khâu tiếp thị

Đừng vội “đổ thừa” cho người tiêu dùng không ủng hộ hàng nội. Cần phải thấy được rằng, ngay ở khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm của các đơn vị chức năng vẫn chưa làm tới nơi tới chốn – ông Trần Đình Bá – Giám đốc kinh doanh một công ty xuất nhập khẩu trái cây ở Q.1, TP.HCM cho biết: Đơn cử như tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (nơi cung cấp hơn 50% trái cây cho thị trường TP HCM hiện nay) cho thấy, phần lớn hình thức bên ngoài và cách thức bảo quản của trái cây nội thua xa trái cây ngoại nhập. Gần như toàn bộ trái cây Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Nhật... về chợ đều được bảo quản kỹ lưỡng, đóng trong các thùng giấy, có lớp giấy chống va đập trong quá trình vận chuyển.
Trái cây Việt đổ đống lề đường ở TP HCM, giá bán rẻ như bèo!
Trái cây Việt đổ đống lề đường ở TP HCM, giá bán rẻ như bèo!
Đa số hàng được bảo quản ở môi trường lạnh giữ độ tươi và đẹp mắt. Đặc biệt hàng của Mỹ, Úc, còn có thông tin đầy đủ về số lượng trái mỗi thùng, xuất xứ, điều kiện bảo quản thích hợp, ngày đóng gói... Thậm chí trên mỗi trái còn được dán một nhãn riêng, cũng có tên riêng của loại trái cây đó và thông tin về nơi sản xuất.

Còn ở nước ta, nếu có dịp đi về huyện Cái Mơn, tỉnh Bến Tre mùa này sẽ thấy dọc hai bên đường là những sọt trái cây đựng trong các sọt tre, phủ lên bề mặt vài lá chuối, giấy báo, để mặc nắng mưa chờ xe trung chuyển. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe máy tự chế, chất hàng cao quá đầu người và chạy hết tốc lực. Khi hàng được đưa đến tay tiểu thương thì tỷ lệ thâm vỏ, giập nát khá cao.

Các tiểu thương kinh doanh trái cây tại chợ Tam Bình, Bình Điền cho biết, gần như chưa bao giờ thấy trái cây nội được đóng trong thùng giấy, thùng xốp có ghi tên tuổi, xuất xứ như hàng ngoại. Vì vậy, dù trái cây nội có ngon, có cao cấp mấy đi chăng nữa thì tiểu thương và người tiêu dùng vẫn có cảm giác đó là hàng bình dân. Thêm nữa, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trái cây nội bị “hắt hủi” và rớt giá thảm hại còn do việc quảng bá cho thương hiệu “trái cây Việt” chưa tốt, ngoài lễ hội trái cây tại Công viên Văn hóa Suối Tiên hàng năm và một vài hội chợ nhỏ khác.

Là người hơn chục năm ngược xuôi ở hầu hết các chợ đầu mối nông sản trên cả nước để thu mua trái cây, ông Đặng Văn Hai – chủ vựa trái cây Mười Hai (chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM) tiết lộ: “gần như 50% trái cây mác ngoại đều xuất xứ từ Trung Quốc. Khi lái đưa được hàng đến các chợ đầu mối và muốn “nhập tịch” cho trái cây ở Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Nhật... đều dễ như chơi”.