KTĐT - Không chỉ đơn thuần được dùng để làm thực phẩm, trái cây giờ đây còn “lấn sân” sang ngành công nghiệp chế tạo ôtô.
Hiện nay, các nhà khoa học Brazil đang sử dụng dứa, chuối, dừa và những loại trái cây nhiệt đới khác để chế tạo nhựa thế hệ mới dùng trên ôtô. Theo đó, sản phẩm mới sẽ bền, nhẹ và thân thiện với môi trường hơn loại nhựa nguồn gốc hóa dầu hiện đang được phần lớn các hãng chế tạo ôtô sử dụng.
“Thành phần của loại nhựa mới rất đáng kinh ngạc”, ông Alcides Leão, trưởng dự án nghiên cứu đến từ đại học Sao Paulo của Brazil, phát biểu. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng sợi siêu nhỏ lấy từ trái cây, hay còn gọi là nano-cellulose, để chế tạo loại nhựa nhẹ hơn 30% nhưng dai không kém Kevlar, một chất liệu vốn hay xuất hiện trong áo chống đạn.
Theo lời phát biểu của nhóm các nhà khoa học Brazil trong hội thảo tại California tổ chức hôm Chủ nhật vừa qua, loại nhựa nguồn gốc trái cây không chỉ giảm trọng lượng cho xe mà còn cải thiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu và dễ dàng phục hồi.
Chưa hết, loại nhựa thế hệ mới có thể chống chịu sự tàn phá của nhiệt độ, xăng tràn, nước và ôxy. Ông Leão dự đoán, khách hàng sẽ sớm có cơ hội chứng kiến thành quả lao động của các nhà khoa học Brazil trên xe hơi trong vòng 2 năm tới.
Để lấy sợi nano-cellulose, các nhà khoa học đã đưa dứa hoặc các loại trái cây khác vào một thiết bị tương tự nồi áp suất. Sau đó, họ bỏ thêm các chất hóa học vào nồi và đun nóng hỗn hợp trên. Kết quả thu được là một chất mịn như bột tan. Theo ông Leão, quá trình sản xuất nano-cellulose khá tốn kém. Bù lại, chỉ cần 1 kg nano-cellulose cũng đủ để họ sản xuất 100 kg loại sợi siêu bền và nhẹ.
“Từ trước đến nay, chúng tôi mới chỉ tập trung vào việc tìm giải pháp thay thế cho nhựa trên ôtô”, ông Leão phát biểu. “Tuy nhiên, trong tương lai, chúng tôi sẽ nghiên cứu cách thay thế cả thép và nhôm bằng những vật liệu có nguồn gốc thực vật”.