Trái cây Việt tìm đường xuất khẩu sang Trung Quốc

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng khá cao, góp phần vào mục tiêu năm 2021.

Tính đến tháng 6/2021, Việt Nam đã có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt. Sản lượng xuất khẩu trái cây tươi trung bình trong những năm gần đây là từ 3,3 – 3,5 triệu tấn/năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng hàng xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 2,5 triệu tấn, bằng khoảng 77% so với cả năm 2020. Trong đó, xoài là loại trái cây có mức tăng sản lượng xuất khẩu lớn nhất với gần 157%, tương ứng hơn 468.000 tấn.
Một số nhóm mặt hàng trái cây có mức tăng sản lượng xuất khẩu ấn tượng trong nửa đầu năm 2021 có thể kể tới là: Thanh long 1,2 triệu tấn (tăng 138%), dưa hấu 290.000 tấn (tăng gần 132%). Riêng đối với quả vải, hiện đã xuất khẩu được hơn 51.000 tấn, với mức tăng khoảng 44% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu quả vải sang Trung Quốc tăng khoảng 44% trong nửa đầu năm 2021.
Để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, các bộ ngành đã và đang phối hợp chặt chẽ trong việc đáp ứng những yêu cầu của phía Trung Quốc. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã cấp 1.703 mã số vùng trồng với tổng diện tích 178.697ha. Ngoài ra, Bộ cũng cấp 1.776 mã số cơ sở đóng gói cho các loại trái cây xuất khẩu được đề cập ở trên.
Một tin vui đối với Việt Nam là Trung Quốc đã đồng ý phương án cho xuất khẩu tạm thời hai mặt hàng là khoai loang và ớt. Bộ NN&PTNT đã giao Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương để hoàn tất hồ sơ kỹ thuật gửi phía Trung Quốc nhằm sớm xuất khẩu các nhóm ngành hàng này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, thị trường Trung Quốc chiếm 22,6% thị phần xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản và thủy sản của Việt Nam nói chung, lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ (24,6%). Chính vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn trong giao thương, thông quan, kiểm dịch để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này là đặc biệt quan trọng.   
Hiện, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã thành lập tổ công tác liên ngành nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết thêm, Bộ đang phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp và địa phương trong việc khuyến khích, hỗ trợ nhà máy tăng cường sơ chế, chế biến sản phẩm cấp đông, nước trái cây cô đặc hoặc đóng lon, thủy sản đồ hộp và những sản phẩm chế biến từ gạo. Điều này nhằm chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch Covid-19 cho các thị trường xuất khẩu chủ lực, trong đó có Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).