Trái ngọt của sự đồng lòng, chung sức trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến chiều 21/4, Việt Nam đã có 216/268 ca dương tính với Covid-19 được chữa trị bình phục, không có trường hợp nào tử vong, đặc biệt trong 5 ngày qua, không có ca nhiễm mới. Trong khi đó, khoảng 210 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới vẫn đang tiếp tục chống chọi với sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt ở châu Âu có nhiều nước con số đáng báo động. Hôm qua, Pháp là nước thứ tư ghi nhận con số tử vong lên đến 20.000 người...

Người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được nhận hỗ trợ từ Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội.
Nêu một vài con số như vậy để chúng ta thấy rõ hiệu quả của sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tộc trong công cuộc chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Chúng ta đã trải qua những ngày không thể quên, với biết bao sự hy sinh thầm lặng của hàng trăm ngàn chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Chúng ta không thể quên biết bao tấm lòng thiện nguyện góp công sức đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta cũng không thể quên những nhà hảo tâm, DN, tập đoàn… đã ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng để chung tay góp sức trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19.
Trân trọng hơn khi rất nhiều cây "ATM gạo" được lập làm vơi bớt khó khăn cho những trường hợp yếu thế, được báo chí thế giới hết lời ngợi khen. Như tâm sự xúc động của bà Vũ Thị Dung (78 tuổi, phường Định Công, quận Hoàng Mai): "Vợ chồng tôi già yếu, bệnh tật nhưng đang phải nuôi đứa cháu nội mồ côi ăn học, hàng tháng chỉ nhận trợ cấp của phường được 700.000 đồng, ngoài ra không có khoản nào khác. Nhận được suất quà tại điểm phát quà từ thiện, thực sự tôi rất cảm động. Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của những người dân khó khăn”.
Có thể thấy rõ, sự đồng lòng, chung sức của toàn dân tộc thực hiện những biện pháp trong phòng chống dịch bệnh, nhất là biện pháp cách ly toàn xã hội đã mang lại những kết quả tích cực. Nhóm địa phương “nguy cơ cao” và “có nguy cơ” đã giảm xuống rất nhiều. Điều này được Thủ tướng kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 20/4 về phòng, chống dịch Covid-19: “Tình hình đến nay chúng ta chỉ còn hai TP có nguy cơ cao và ngày 22/4 tới sẽ xem xét để đưa ra những biện pháp mới”.
Rất có thể, hôm nay (22/4), Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một chỉ thị mới về phòng, chống dịch Covid-19, bằng những biện pháp nới lỏng hơn, với chủ trương "nới lỏng từng bước, từng giải pháp chứ không thể ngay lập tức mở toang cửa, bỏ hết các giải pháp chống dịch cùng lúc”. Trong thời điểm này, nới lỏng là cần thiết vì cần tranh thủ phục hồi kinh tế - xã hội, song chúng ta vẫn không được chủ quan để tránh việc tái nhiễm hoặc lây nhiễm từ cộng đồng. Mỗi người dân cần nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, thỏa mãn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần