Kinhtedothi - Chiều 4/12, HĐND TP Hà Nội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với thành viên UBND TP. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã trả lời các nội dung trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải; thiết bị y tế được đầu tư nhưng chưa được đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hết công công suất...
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, trong thời gian qua, được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành, ngành Y tế đã đạt được những kết quả quan trọng từ công tác phòng chống bệnh đến các nội dung khác.
Hiện nay, TP Hà Nội còn 3 phường: Phú La, Mai Động, Thượng Đình chưa hoàn thành chỉ tiêu phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Việc xử lý nước thải của các trạm y tế chưa được chuẩn và chúng ta đang xử thải theo thông thường, thực hiện quy định xử lý nước thải y tế theo luật, nghị định, thông tư xử lý chất thải thì đến nay thành phố đầu tư gần 100% các bệnh viện, nhà hộ sinh, bệnh viện đa khoa xử lý nước thải theo đúng luật, quy định môi trường.
Ngoài ra, các trạm y tế xã, phường xử lý theo cách thông thường vì lý do khám chữa bệnh tại đây thông thường, chất thải trạm y tế không nhiều. Thực hiện Quyết định 2038 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt xử lý chất thải y tế có quy định đến 2015, 100% các bệnh viện Trung ương, 100% bệnh viện tư nhân, 70% bệnh viện tuyến huyện đảm bảo xử lý chất thải..., năm 2020 thì 100% các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương phải thực hiện xử lý chất thải thải ra môi trường và Hà Nội đã thực hiện đảm bảo chuẩn về môi trường tại bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, bệnh viện tư nhân... “Tuy nhiên, điều kiện còn khó khăn nên sau này cũng mong HĐND quan tâm đầu tư xử lý chất thải y tế ở trạm y tế phường” - ông Hiền nói.
Thực hiện QĐ 370 Chuẩn y tế 2001-2010 có quy định trạm y tế phải có trang thiết bị mới được chuẩn và TP đã quan tâm đầu tư với máy siêu âm, xét nghiệm, kính hiển vi... Năm 2012, Bộ Y tế ban hành QĐ 3470 yêu cầu cao hơn với trên 70% các trạm y tế phải được trang bị thiết bị, các trạm y tế mới chỉ có máy siêu âm nhỏ xách tay nên phục vụ chỉ các chương trình nhỏ như chăm sóc thai sản. Đến nay, ngành y tế Hà Nội đã rà soát và nhận thấy các trạm y tế đã thu hút được bệnh nhân. Trong 11 tháng năm 2014, có 39.358 lượt khám tại các trạm y tế… việc này đã giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng khẳng định: Việc khai thác sử dụng và chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế và hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chủ quan là ở trung tâm có các bệnh viện tư nhân, quốc tế, nhiều người mua bảo hiểm y tế của các bệnh viện có uy tín, bệnh viện lớn nên nhiều người có tâm lý lựa chọn bệnh viện đông bệnh nhân, có trang thiết bị nhiều, nhiều người đến khám, cán bộ khám phải có chứng chỉ. Nguyên nhân khách quan, mỗi trạm y tế có 1 trưởng trạm vừa họp vừa khám bệnh nên cũng chưa được khai thác tối đa. Một số cán bộ tại trạm y tế chưa năng động, cập nhật kiến thức, đảm bảo uy tín để cho người dân đến khám.
Sở Y tế đưa ra giải pháp là cần tăng cường tuyên truyền để người dân khám ở trạm y tế, tránh gây quá tải bệnh viện tuyến trên, đồng thời đào tạo về chuyên môn để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến xã. Bên cạnh đó, luân phiên có nghĩa vụ với các cán bộ y tế, yêu cầu các bác sĩ ở bệnh viện tuyến huyện, thành phố phải đi xuống tuyến dưới từ 6-12 tháng. Điển hình như tại Bệnh viện Xanh Pôn nhiều bác sĩ phải xuống tuyến dưới, đồng thời, thường xuyên kiểm tra trang thiết bị, nhu cầu trạm y tế ở khu vực nội đô khác ở khu vực đồng bằng và miền núi. Ngành y tế đang tổng kết, đánh giá mô hình này để đầu tư về con người, thiết bị để tránh lãng phí, khai thác hiệu quả đầu tư. Qua đó, kiến nghị với HĐND TP giao tăng chỉ tiêu biên chế cho các bệnh viện tuyến thành phố vì các bác sĩ tại bệnh viện tuyến TP đi luân chuyển tăng cường xuống tuyến dưới nên khuyết biên chế.
Về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường trạm y tế, theo ĐB Phạm Xuân Tài, qua giám sát các trạm y tế hiện chủ yếu xử lý thủ công, đề nghị cho biết quy trình xử lý thủ công được thực hiện theo văn bản pháp quy nào? Và quy trình xử lý thủ công có hạn chế gì so với xử lý hiện đại? Có công nghệ nào không gây tốn kém? Trong năm 2014, Sở Y tế đã thanh tra, kiểm tra nước thải tại bao nhiêu trạm y tế? Nguồn nước có đảm bảo theo quy chuẩn quốc gia về y tế hay không?
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay hệ thống các trạm y tế chỉ là khám chữa bệnh ban đầu. Và khám chữa bệnh chỉ là 1 trong 10 chức năng của trạm y tế. Bởi vậy lượng chất độc hại của rác thải trạm y tế không nhiều.
“Tôi cũng rất mong muốn nâng các quy mô của trạm y tế lên thì phải đầu tư. Với ngành y tế, TP rất quan tâm nhưng trong điều kiện hiện nay vẫn còn khó khăn thế nên chúng tôi mong khi kinh tế phục hồi, HĐND tiếp tục đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải y tế và trang thiết bị ngành y tế” - Giám đốc Sở Y tế nói.
ĐB Nguyễn Thị Thùy đề nghị Sở Y tế làm rõ Trạm y tế xã Tân Hội có quy mô cơ sở vật chất rất tốt, tương đương trung tâm y tế của huyện thuộc các nơi khác, nhưng bệnh nhân đến khám hàng ngày từ 30-35 bệnh nhân, tiểu phẫu nhỏ, dịch vụ đỡ đẻ... Quy trình tuân thủ theo bình thường nhưng đến hệ thống nước thải thì lại không được chú trọng. Rác thải y tế được xử lý cho vào thùng, 1-2 ngày sau gói đưa lên lò đốt rác xử lý. Công nghệ xử lý như vậy chưa hoàn toàn yên tâm. Và không riêng gì trạm Tân Hội mà hầu hết trạm y tế xử lý theo phương pháp này.
Ngoài ra, về nước thải tại bệnh viện và các phòng khám, cụ thể, tại Bệnh viện đa khoa Thanh Trì, dự án xử lý nước thải do TP đầu tư nhưng vi phạm xử lý chất thải thì các ngành của TP vẫn xử phạt bệnh viện đúng quy định. “Chúng tôi thấy gây khó khăn cho bệnh viện, TP cần có giải pháp tháo gỡ cho bệnh viện đảm bảo phòng bệnh cho địa bàn dân cư và thành phố” - ĐB Thùy nói.
Giám đốc Sở Y tế cho biết sẽ hoàn thiện và rà soát, xử lý các trạm y tế chưa xử lý theo phương pháp thu gom về bể phốt và sau đó xử lý bằng clromin. Đối với Bệnh viện đa khoa Thanh trì, Bệnh viện 09 đúng đều bị phạt hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên theo quy định thì tiến tới tập trung đầu tư cho các bệnh viện còn lại. Do điều kiện khó khăn hiện nay, phải chấp nhận xử lý theo phương pháp thủ công đối với xử lý nước thải tại trạm y tế. Qua rà soát, chúng tôi nhận thấy có 33 trạm y tế xuống cấp cần làm mới...
Ngoài ra, các đại biểu HĐND TP cũng đề nghị cần xem xét một số trạm y tế do điều kiện gần các bệnh viện trung ương, quận nên việc khám chữa bệnh hạn chế, trong khi đó trang thiết bị đồng loạt như nhau. Bởi vậy cần có giải pháp tốt hơn để đánh giá mô hình trạm y tế ở quận và các địa phương ngoại thành để đầu tư tốt hơn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trả lời chất vấn đại biểu HĐND TP. |
ĐB Nguyễn Thị Thùy chất vấn. |