Từ U11 đến U21 đều đồng loạt khởi tranh và người ta coi đó là cơ hội để các cầu thủ trẻ trui rèn kinh nghiệm trận mạc và chắp cánh giấc mơ thành cầu thủ chuyên nghiệp. Được mùa lo mất nhà tài trợ Hệ thống thi đấu bóng đá trẻ Việt Nam hiện tương đối đồng bộ, thể hiện sự kế thừa rất cao. Các cầu thủ sẽ tham dự các giải U11, U13, U15, U17, U19, U21 trước khi bước vào con đường thi đấu chuyên nghiệp. Nhiều cầu thủ đã trưởng thành qua sân chơi này. Trước đây, các giải đấu trẻ được VFF giao cho các đối tác quản lý và tổ chức. Giải U11, U13 do báo Nhi đồng đảm trách. Giải U15 được bảo trợ bởi báo Thiếu niên. Giải U17 do báo Bóng đá “chống lưng”. Trong khi đó, U21 là giải đấu gắn liền với báo Thanh niên. Giải đấu trẻ duy nhất được VFF tổ chức là U19.
Việc sân chơi trẻ được tổ chức bởi các đơn vị truyền thông giúp cho công tác tuyên truyền, tài trợ có nhiều điểm thuận lợi. Giải đấu có sức lan tỏa với dư luận và nhờ đó mà thu hút được nhiều nhà tài trợ. Thế nhưng, 2 năm qua, dư luận bắt đầu chứng kiến đà suy thoái của sân chơi trẻ. Báo Thiếu niên dừng cuộc chơi, trả giải U15 về cho VFF. Ngay sau đó, đến lượt báo Bóng đá cũng chia tay với giải đấu mà họ đã đưa lên đỉnh cao. Dù rất cố gắng gồng gánh tổ chức giải U11, U13 nhưng dư luận đang lo báo Nhi đồng cũng đang hụt hơi trong cuộc chơi tốn kém. Cái khó của các nhà tổ chức giải trẻ là tìm kiếm tài trợ đáp ứng nhu cầu của giải. Chi phí tổ chức ngày càng gia tăng, trong khi tìm kiếm tài trợ đang là gánh nặng. Giải U11 năm nay nhiều khả năng không có nhà tài trợ; trong khi đó, VFF vẫn chưa ấn định thời điểm tổ chức giải U15 bởi muốn tìm kiếm đối tác gánh về tài chính. Cái khó bó cái khôn Không chỉ VFF mà cả các đối tác của tổ chức này đang đối diện với vòng luẩn quẩn là làm sao tìm tiền để duy trì và phát triển giải đấu. Miếng bánh ngon nhất của bóng đá Việt Nam là V.League và hạng Nhất đã được trao cho VPF khai thác. Trước đây, khi có sân chơi này, VFF sẽ điều chuyển nguồn thu hỗ trợ trở lại bóng đá trẻ. Thậm chí, việc đơn giản như truyền hình trực tiếp cũng dễ dàng hơn khi VFF đem V.League ra thỏa thuận với các nhà đài là phải tường thuật giải trẻ nếu muốn có bản quyền. Giờ thì khác, V.League do VPF quản lý, các đài cũng không bị gắn trách nhiệm chăm lo giải trẻ nên gánh nặng sẽ thuộc về VFF cũng như các đơn vị tổ chức. Có một thực tế là bóng đá trẻ chỉ có thể kiếm được tài trợ nếu làm tốt công tác truyền thông. Nhưng, một rào cản với các nhà tổ chức là để làm tốt truyền thông, họ phải có tiền chi phí. Cái vòng luẩn quẩn này khiến một loạt nhà tài trợ rút lui khỏi sân chơi trẻ dù ai cũng biết, muốn có bóng đá phát triển phải chăm lo cho sân chơi trẻ. Bản thân VFF cũng hiểu khó khăn của các nhà tổ chức, đã làm nhiều việc, trong đó có việc ôm luôn vòng loại cho các giải đấu và tiêu tốn khá nhiều tiền. Vấn đề đặt ra là làm sao để khai thông những bế tắc trong công tác tổ chức giải trẻ. Các nhà tổ chức cần phải được tiếp sức bằng việc hình thành những quỹ phát triển giải đấu trẻ. VFF cũng cần có những đột phá trong công tác tổ chức để sân chơi này thu hút được sự quan tâm của dư luận, qua đó có thể khơi nguồn tài chính. Có như vậy thì bóng đá Việt Nam mới hết cảnh đến Hè lại lo giải trẻ thiếu nhà tài trợ.
Ảnh minh họa |