Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trăn trở nghề chè ở Phú Yên

Hồng Đạt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu năm 2016, người dân thôn Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì vô cùng hân hoan khi đón nhận Bằng công nhận làng nghề chè truyền thống.

Thế nhưng, cùng với niềm vui ấy là những trăn trở tìm hướng phát triển bền vững cho làng nghề.

Nhân rộng mô hình chè sạch

Làng nghề chè Phú Yên được hình thành từ làng chè đội 5 thuộc Nông trường Ba Vì trước đây. Đến nay, các hộ dân đã có kinh nghiệm trồng, sản xuất và chế biến chè được hơn 50 năm. Gắn bó với cây chè và thu nhập chính cũng từ cây chè nên người dân Phú Yên luôn tìm phương pháp nâng cao chất lượng chè của địa phương. Bởi thế mà giờ đây, sản phẩm chè Phú Yên có chất lượng không hề kém cạnh so với các vùng trồng chè khác.
Thu hái chè tại làng nghề Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì. Ảnh: Hồng Đạt
Thu hái chè tại làng nghề Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì. Ảnh: Hồng Đạt
Anh Trần Thành, hộ có diện tích 4.000m2 chè ở thôn Phú Yên cho biết, người dân trước đây thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phun phòng trừ sâu bệnh cho cây chè. Tuy nhiên, nhận thấy tác hại của thuốc BVTV, từ nhiều năm nay, người dân đã chuyển sang dùng các loại thuốc sinh học để phòng trị bệnh cho chè. Do đó, không những chất lượng chè tốt hơn mà sức khỏe của người trực tiếp chăm sóc, hái chè, sao chè cũng được đảm bảo. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 40 – 50 triệu đồng.

Đến nay, mô hình sản xuất chè an toàn ngày càng được nhân rộng ra toàn làng nghề. Đặc biệt, từ năm 2015, anh Nguyễn Hoàng Vững, một trong những hộ sản xuất chè tiêu biểu nhất của thôn Phú Yên đã mạnh dạn đưa chế phẩm Basalt-Pest và Basug-tea của Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế và công nghệ ETC vào sản xuất. Các chế phẩm này được làm từ muối và đường, có tác dụng làm sâu chán ăn, không ăn lá chè. Nhờ đảm bảo an toàn nên sản phẩm chè của gia đình anh Vững tiêu thụ rất nhanh, có thời điểm không đủ hàng cung cấp cho khách. Ước tính, trừ chi phí, mỗi năm nghề trồng chè mang lại cho gia đình anh Vững thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Chưa hết nỗi lo

Theo thống kê, toàn thôn Phú Yên hiện có trên 160ha trồng chè, chủ yếu là các giống chè PH1, Phúc Vân Tiên, DL2… Trong đó, giống chè Phúc Vân Tiên tuy năng suất không cao bằng giống chè PH1 hay các giống chè khác, nhưng chất lượng chè lại thơm ngon hơn và giá bán cũng cao hơn. Nếu như các loại chè khác có giá bán chỉ từ 60.000 – 200.000 đồng/kg thì chè Phúc Vân Tiên có giá tới 300.000 đồng/kg. Sản phẩm chè khô Phú Yên đã được tiêu thụ rộng rãi ở các thị trường Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc… Trong những năm qua, việc sản xuất và chế biến chè búp khô đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho kinh tế địa phương, riêng năm 2015 đạt hơn 23 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt hơn 39 triệu đồng/năm.

Mặc dù vậy, theo ông Lê Quang Cường – Trưởng thôn Phú Yên, để phát triển bền vững làng nghề truyền thống của địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trước hết là hạ tầng phục vụ sản xuất và lưu thông còn yếu kém. Toàn thôn chưa có tuyến đường nào được bê tông hóa, và để phục vụ đi lại, Nhân dân trong thôn đã tự bảo nhau đóng góp làm đường cấp phối. Bên cạnh đó, làng nghề chưa có điểm giao dịch cũng như khu trưng bày, quảng bá sản phẩm để phục vụ khách tham quan, du lịch. Ngoài ra, để áp dụng quy trình sản xuất chè hiện đại thì hệ thống điện của thôn cũng cần phải được nâng cấp.

Điều mà những hộ trồng chè ở Phú Yên trăn trở là dù đã được áp dụng quy trình sản xuất an toàn, song đầu ra của sản phẩm chè khá bấp bênh về giá, lúc được giá thì khoảng 100.000 – 200.000 đồng/kg nhưng cũng có khi rớt xuống chỉ còn 50.000 – 60.000 đồng/kg. Phần lớn giá cả thị trường chè do các tư thương định đoạt nên không ít trường hợp người nông dân phải chịu thiệt thòi. Rõ ràng, dù đã được TP công nhận là làng nghề truyền thống, song để phát huy được tiềm năng, thế mạnh của làng nghề chè Phú Yên thực sự còn khá nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Toàn thôn Phú Yên có 226 hộ, trong đó 210 hộ làm nghề trồng và chế biến chè búp khô, chiếm 92,11%. Nghề này cũng tạo công ăn việc làm cho khoảng 85% lao động trong thôn.