Trăn trở ở làng hoa Tây Tựu

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu năm 2017, làng hoa phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.

 Tuy nhiên, làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ đang đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển bền vững của làng nghề này.
Thiếu đất và những cuộc di cư
Gia đình bà Chu Thị Nhu, tổ dân phố số 10, có 3 đời trồng hoa trên cánh đồng làng Đăm (phường Tây Tựu bây giờ). Kể từ khi các dự án đất dịch vụ, cũng như nhiều công trình đáp ứng hạ tầng dân sinh được triển khai trên địa bàn phường, từ diện tích canh tác khoảng 1 mẫu, đến nay, gia đình bà chỉ còn khoảng 2 sào. Diện tích quá nhỏ khiến gia đình không tiếp tục trồng hoa được. Thay vào đó, bà trồng rau màu, bán túc tắc ngoài chợ kiếm “đồng ra đồng vào”. Anh Nguyễn Thiện Việt (con trai bà Nhu) cho biết, không muốn bỏ nghề trồng hoa truyền thống nên đã bàn với vợ thuê hơn 5 sào đất ở thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) để trồng hoa. Ngày ngày, vợ chồng anh Việt di chuyển đến vùng hoa làm việc, chiều tối lại chạy xe về quây quần bên mâm cơm gia đình. 

Làng nghề hoa truyền thống  phường Tây Tựu đang đứng trước  nhiều thách thức của làn sóng đô thị hóa. Ảnh: Lâm Nguyễn

Không chỉ hộ anh Việt, nhiều gia đình ở phường Tây Tựu vẫn nặng lòng với nghề trồng hoa, nhưng do diện tích đất canh tác ngày một giảm, đã phải ngậm ngùi rời xứ ra đi. Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND phường Tây Tựu, tổng diện tích các hộ gia đình đi thuê để làm nghề tại các địa phương lân cận như Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Sơn Tây… đến nay lên tới gần 300ha. Con số này xấp xỉ bằng tổng diện tích hiện đang trồng hoa trên địa bàn phường Tây Tựu.
Hướng tới vùng hoa chất lượng cao
Theo ông Đặng Trần Phi - Chủ tịch UBND phường Tây Tựu, nghề trồng hoa hiện vẫn là nguồn sinh kế của khoảng 80% số hộ dân trên địa bàn. Với giá trị sản xuất đạt trung bình khoảng 300 triệu đồng/sào/năm, cây hoa đang mang lại nguồn thu rất quan trọng, góp phần cải thiện đời sống cho một phần lớn người dân địa phương. Dù vậy, nghề trồng hoa nơi đây đang đứng trước nhiều thách thức. Bên cạnh diện tích đất canh tác sụt giảm qua từng năm, người trồng hoa Tây Tựu còn thường xuyên đối mặt với nỗi lo thời tiết. Đơn cử, vụ hoa Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa qua, một số hộ trồng hoa ly bị lỗ khá nặng do hoa nở không đúng thời điểm. Đặc biệt, lối canh tác manh mún nhỏ lẻ, chủ yếu vẫn theo hình thức “tự sản tự tiêu” khiến giá trị ngành sản xuất chưa đạt kỳ vọng. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa chất lượng cao còn chiếm tỷ lệ ít.
Việc làng hoa Tây Tựu được công nhận là làng nghề truyền thống đầu năm 2017 không chỉ là cơ hội, mà còn là thách thức đòi hỏi chính quyền và Nhân dân nơi đây cần nỗ lực nhiều hơn để biến vùng đất này trở thành “xứ sở hoa” của Thủ đô. Ông Phi chia sẻ, trên địa bàn phường đang có rất nhiều dự án phát triển giao thông đô thị, diện tích đất nông nghiệp dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Dù phường Tây Tựu đã quy hoạch trong kế hoạch sử dụng đất một diện tích trồng hoa ổn định, nhưng con số này chỉ còn khoảng 80ha. Theo ông Phi, với diện tích hoa dự kiến sẽ còn bị thu hẹp, địa phương rất mong muốn thời gian tới, UBND TP Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm tiếp tục quan tâm, có những chính sách đầu tư cụ thể nhằm từng bước đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh hoa. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất kết hợp hướng dẫn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất (bao gồm cả bảo quản hoa sau thu hoạch). Có như vậy, chính quyền và Nhân dân phường Tây Tựu mới có điều kiện phấn đấu xây dựng làng hoa Tây Tựu thành vùng hoa chất lượng cao của Thủ đô.
                 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần