Trăn trở thương hiệu làng nghề

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Hà Nội là địa phương có thế mạnh làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) song đến nay, đa phần các sản phẩm xuất khẩu lại không mang thương hiệu Việt Nam mà thuộc về các quốc gia khác.

Chưa ý thức được tầm quan trọng
Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước với khoảng 176.000 hộ làm nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động. Dù vậy, hàng TCMN của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung chưa tạo được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Làng Cự Đà (huyện Thanh Oai) vốn nổi tiếng với nghề làm tương và miến truyền thống...
Nghệ nhân làng thêu Quất Động (Thường Tín) sản xuất hàng thêu phục vụ xuất khẩu.
Sản phẩm miến có màu vàng óng hoặc trắng tinh, khi ăn có mùi vị thơm, dai, giòn, nước tương Cự Đà óng vàng, thơm nồng, mang mùi vị đặc trưng. Mặc dù là đặc sản Hà Nội nhưng những hộ sản xuất luôn trăn trở vì sao sản phẩm không được nhiều người tiêu dùng biết đến, phải chăng do người làng Cự Đà chưa chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống của quê hương.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam, 90% sản phẩm TCMN Việt Nam xuất khẩu đều thông qua các DN trung gian dưới dạng sản phẩm thô hoặc gia công cho những thương hiệu nước ngoài. Đã có không ít trường hợp, sản phẩm TCMN Việt Nam chỉ được bán với giá 15 - 20USD nhưng khi DN nhập khẩu gắn mác thương hiệu của họ thì giá trị sản phẩm đã tăng 40 lần.
Hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu
Để hàng TCMN Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong quá trình xuất khẩu không phải “núp bóng” thương hiệu quốc tế, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng thì làng nghề, DN cần chủ động hơn trong việc xây dựng thương hiệu, bởi đây là quyền lợi của chính DN, làng nghề.
Trong thời gian qua, UBND TP Hà Nội bên cạnh hoạt động đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đầu tư hạ tầng… còn dành nguồn kinh phí hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu.
Vừa qua, UBND TP đã ban hành Quyết định 4526/QĐ-UBND phê duyệt danh sách các làng nghề được hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu làng nghề Hà Nội 2019. Đây không phải là lần đầu tiên UBND TP Hà Nội hỗ trợ các làng nghề xây dựng, quảng bá thương hiệu. Từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu cho 30 làng nghề. Đồng thời tổ chức khoảng 15 hội chợ TCMN & quà tặng; 2 triển lãm - hội chợ "Mỗi làng một sản phẩm" thu hút trên 2.000 nhà nhập khẩu từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đến giao dịch.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, trong thời gian tới, TP tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN xây dựng, quảng bá thương hiệu. Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ tăng cường kết nối DN với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, qua đó giúp DN rút ngắn thời gian trao đổi, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến với DN nhập khẩu nước ngoài.

"Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, đòi hỏi chính các làng nghề phải chủ động quảng bá sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào đổi mới sản xuất." - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản


"Với sự hỗ trợ của TP, gốm sứ Bát Tràng sau hơn 10 năm đăng ký thương hiệu đã được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế biết đến. Đáng chú ý, mô hình kết hợp sản xuất, trưng bày sản phẩm với phát triển du lịch, xuất khẩu tại chỗ đã phát huy hiệu quả cao." - Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn (làng gốm Bát Tràng)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần