Trang bị súng cho Công an xã: Nên hay không?

Nguyễn Xuân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một nội dung thu hút được sự quan tâm của dư luận trong Thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ là việc công an xã cũng nằm trong danh sách lực lượng được trang bị súng.

Công an xã được trang bị vũ khí
Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của dư luận. Thông tư này quy định về thẩm quyền, đối tượng, chủng loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an.

Theo Thông tư, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ bao gồm: Cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an; Cục nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục; các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh; trại giam, trại tạm giam; học viện, trường Công an Nhân dân; Công an quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh; Công an xã, phường, thị trấn.

Huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng công an xã. Ảnh: Nguyễn Xuân

Các loại vũ khí quân dụng được trang bị gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân, trực thăng vũ trang, xe thiết giáp, mìn, lựu đạn và đạn sử dụng cho các loại súng này.

Quá nhiều băn khoăn

Không thể phủ nhận lực lượng công an xã đang có những đóng góp rất lớn và ngày càng quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự ở các địa phương. Nhưng công an xã hiện nay chưa phải lực lượng chính quy, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu nên nhiều người lo lắng về tình trạng sử dụng vũ khí quân dụng tùy tiện, mất kiểm soát, gây hậu quả đáng tiếc mà thực tế đã có nhiều trường hợp xảy ra.

Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa XIV, khi bàn về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các đại biểu Quốc hội cũng nêu nhiều ý kiến khác nhau về việc trang bị súng cho công an xã. Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, công an xã là một cấp của lực lượng Công an Nhân dân nên cần cấp súng cho đối tượng này. Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, chỉ nên cấp công cụ hỗ trợ chứ không nên cấp súng. Trong trường hợp vẫn quyết định cấp súng cho công an xã, cần phải quản lý thật chặt, bởi lực lượng này hoạt động ở địa phương tương đối độc lập chứ không như lực lượng vũ trang.
Theo Luật sư Trần Đăng Chung - Trưởng Văn phòng luật sư Luật và Phát triển, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, với trình độ, học vấn, tính chuyên nghiệp như hiện nay của công an xã, thị trấn thì có băn khoăn trong dư luận cũng là điều dễ hiểu. Bộ Công an cần có biện pháp, chế tài siết chặt quản lý, giao sử dụng vũ khí quân dụng đối với công an xã, phường, thị trấn. Trước mắt có thể đặt ra lộ trình từng bước trang bị, giao sử dụng vũ khí quân dụng cho lực lượng này để phù hợp với tính chính quy, chuyên nghiệp vừa đảm bảo tốt công tác quản lý Nhà nước về vũ khí quân dụng, vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng lại cho rằng, không thể cấp súng cho công an viên mà chỉ nên cấp các dụng cụ hỗ trợ. “Cấp súng cho công an viên ở xã là không cần thiết vì nhiệm vụ của họ nếu như có cưỡng chế thì các công cụ hỗ trợ đang có cũng có thể đáp ứng được. Nếu cấp cho tất cả công an viên thì xảy ra rất nhiều vấn đề phức tạp”. Ông Nhưỡng phân tích thêm, nếu cấp súng cho hết công an xã thì phải tốn hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.

Không thể cấp súng cho lực lượng công xã, kể cả Trưởng công an vì đó là lực lượng bán chính quy. Với cấp công an xã, các dụng cụ hỗ trợ hiện nay vẫn giúp hỗ trợ lực lượng này trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự cơ sở theo chức năng được giao. 

Trung tá Trần Trí Dũng - Trưởng Công an huyện Chương Mỹ