Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trắng đêm tìm kiếm hai nạn nhân vụ sập hầm than ở Hòa Bình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những cái lắc đầu đầy vẻ thất vọng của đồng nghiệp khi từ phía cửa hầm bước ra là tiếng thở dài não nuột và ánh mắt thất thần của những người trực ở phía ngoài. Không ngừng nhìn về phía cửa hầm, anh Dương (giám sát chung mỏ than) liên tục nói một cách vô thức: “Nhanh hai phút nữa thôi, mọi sự đâu có ra thế này”.

Kinhtedothi - Sau những cái lắc đầu đầy vẻ thất vọng của đồng nghiệp khi từ phía cửa hầm bước ra là tiếng thở dài não nuột và ánh mắt thất thần của những người trực ở phía ngoài. Không ngừng nhìn về phía cửa hầm, anh Dương (giám sát chung mỏ than) liên tục nói một cách vô thức: “Nhanh hai phút nữa thôi, mọi sự đâu có ra thế này”.
Lực lượng chức năng luân phiên 24/24h tìm kiếm thi thể nạn nhân.
Lực lượng chức năng luân phiên 24/24h tìm kiếm nạn nhân.

Nhanh hai phút nữa thôi…

23h ngày 19/11, sau khi mỏ than tại xóm Đồi, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình) sập một ngày, hai công nhân thuộc Cty TNHH Tân Sơn vẫn mắc kẹt phía trong, chưa có tin tức. Cả khu mỏ nằm tách biệt khu dân cư cách đó hơn chục cây số, vốn dĩ đêm đến chỉ có tiếng côn trùng vọng đều bây giờ náo loạn. Từ con dốc đất đá lởm chởm dẫn vào khu mỏ, tiếng động cơ, máy móc như xé tan cả màn đêm hoang vu, lạnh lẽo.

Không ngừng hướng về phía hầm bị sập, anh Dương (giám sát chung mỏ than) với vẻ mặt thất thần, buồn bã cứ vô thức nhắc đi nhắc lại câu: “Nhanh hai phút nữa thôi, mọi sự đâu có ra thế này” khiến cả tốp công nhân bên cạnh không ai nói với ai câu nào, mắt ai cũng đượm buồn… rồi anh Dương nói tiếp: “Đáng ra hầm sẽ không sập. Nhanh 2 phút thôi. Nếu mấy anh em không cố lấy thêm mảng than nữa thì…”.

Nguyên nhân sập mỏ than còn được anh Dương cho là do lò than này ở sâu. Tầng trên là những lò đã khai thác bỏ không nhiều năm nay chưa lấp, nước đọng lưu lại nhiều, có thể mấy anh em đã chọc bục túi nước. “Vì mỏ than khá hẹp, chiều rộng chỉ khoảng 1,5m (có chỗ không đến), chiều cao cũng chỉ khoảng 1,8-2m. Từ cửa hầm đến nơi hai công nhân còn đang mắc kẹt khoảng 700m nhưng không đi theo một đường thẳng mà đi theo đường dích dắc. Chính vì thế, lực lượng chức năng không thể đưa máy móc vào phục vụ công việc tìm kiếm, buộc phải dùng tay đào thủ công với khối lượng đất đá rất lớn mới tiếp cận được vị trí của hai công nhân này”, anh Dương nói.

Trong số các anh em công nhân có mặt tại lán chờ, chúng tôi để ý thấy có một cậu bé suốt cả đêm khuya chỉ ngồi thu lu một góc, ánh mắt buồn, thi thoảng lại nhìn xa xăm về phía cửa hầm. Gặng hỏi mãi cậu mới cho biết là Bùi Văn Xinh (SN 1998, em trai của nạn nhân Bùi Văn Tuấn – SN 1992 đang mắc kẹt trong hầm). Theo những công nhân tại đây, đã 2 đêm liền Xinh không ăn uống cũng không hề chợp mắt. Chúng tôi giục cậu bé đi ngủ, nó không nhìn lại mà cứ thế nói một cách vô hồn: “Ngủ rồi thì ai đón anh, rồi ai báo tin về cho bố mẹ”. Nói đoạn, cậu bé bước xuống lán rồi lững thững bước về hướng cửa hầm, ngó vọng vào trong dõi theo, chờ đợi…

Khuya. Sương phủ kín một góc đại ngàn giá lạnh. Manh áo mỏng không đủ ấm thân nhưng dường như đó không còn là nỗi bận tâm lớn nhất với Xinh lúc này. Mỗi lúc, ánh mắt nó càng như buồn hơn, sâu thẳm và mệt mỏi. Nó kể: “Lúc anh bị nạn là bố gọi cho em ngay. Khi đó em đang phụ hồ ở Bắc Ninh, nghe tin xong em làm rơi luôn cả viên gạch đang cầm trên tay. Hai anh em từ nhỏ thân thiết với nhau, cho đến khi anh Tuấn bỏ học rồi đi vào Nam làm việc thì không còn nói chuyện nhiều với nhau nữa. Bây giờ thì anh đang ở trong đó, chưa có tin tức gì”.

Vụ tai nạn khiến một công nhân tử vong còn Tuấn và một người nữa tên Bùi Văn Quý (cùng SN 1992, trú tại xóm Thơng, Phú Lương, Hòa Bình) hiện đang mất tích.

Đồng tâm trạng với Xinh, những người thân trong gia đình của Quý (nạn nhân còn lại) cũng nóng ruột không kém. 3h ngày 20.11, một số người thân của Quý đã đến túc trực và mời thầy làm lễ, thắp hương cầu mong việc tìm kiếm sẽ diễn ra suôn sẻ. Bác ruột của Quý cho biết: “Quý là con cả trong gia đình có hai anh em. Hiện tại Quý đã có vợ và một con nhỏ 2 tuổi. Hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn”.

Huy động hàng trăm người nỗ lực tìm kiếm

22h30 ngày 19.11, chúng tôi tiếp cận được hiện trường xảy ra vụ sập hầm than. Lúc này, lực lượng cứu hộ và các loại máy móc kỹ thuật đã được huy động tối đa phục vụ cho công tác tìm kiếm nạn nhân. Thông tin từ lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Hòa Bình, suốt từ ngày 18.11 đến thời điểm hiện tại, các lực lượng chức năng đang tiếp tục phối hợp để tiếp cận, khẩn trương cứu nạn người mắc kẹt trong đáy hầm lò ra khỏi hiện trường. Tỉnh Hòa Bình đã thành lập BCĐ cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Trong đêm, lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn đang tìm cách bơm khí ô xy vào những nơi có thể để tiếp cho những nạn nhân mắc kẹt trong hầm lò. Bằng thiết bị chuyên dụng và từ lời khai của chủ nhân hầm lò này, lực lượng cứu nạn xác định vị trí các công nhân hoạt động khai thác trước đó có độ sâu khoảng 600m.

Ông Lương Bá Khiêm - Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh cho biết: “Do khu vực hầm mỏ nằm dưới chân núi lại cách đường giao thông xa nên việc đưa phương tiện cứu nạn vào hiện trường phải thêm động tác mở đường. Tuy nhiên từ đêm qua đến nay lực lượng công an, quân đội và dân quân xã vẫn nỗ lực đào mé cạnh hầm để tiếp cận nơi có người mắc kẹt”.

Tính đến thời điểm 1h30, ngày 20.11, xác định công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn nên địa phương đã huy động thêm 300 người gồm lực lượng công an tỉnh, huyện, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, lực lượng dân quân và nhân dân địa phương để tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Ngoài việc huy động lực lượng của địa phương có thêm 20 nhân viên cứu hộ hầm mỏ chuyên nghiệp được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đưa về hỗ trợ. Anh Nguyễn Hoàng Nam, người có thâm niên trong lĩnh vực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của Trung tâm Cấp cứu mỏ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản cho biết: Tổ tìm kiếm của anh gồm 30 người đã có mặt tại hiện trường xảy ra sự việc lúc 23h ngày 19.11. Sau khi khoanh vùng, xác định vị trí 2 nạn nhân gặp nạn, anh cùng anh em trong tổ đã thay phiên nhau vào trong hầm thao tác dọn đất than, chống hầm tái đổ, tái bục túi nước, tìm kiếm người gặp nạn. Anh Nam cho biết thêm, do hầm lò than trên hẹp, thấp, nhiều đoạn có đá vách sống, đi qua rất khó khăn nên lực lượng cứu hộ không huy động hết được các phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng vào trong hầm lò. Thay vào đó, các anh cùng lực lượng chức năng chủ yếu phải thao tác bằng phương pháp thủ công.

Theo quan sát của chúng tôi, vất vả nhất trong suốt thời gian xảy ra tai nạn là các công nhân khu mỏ. Họ phải chia ca, thay phiên nhau đào bới 24/24 giờ với hy vọng sẽ mau chóng đưa được các nạn nhân ra ngoài. Chiều 20.11, trao đổi với PV, ông Lương Bá Khiêm - Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Hoà Bình cho biết, hầm khai thác than của Cty TNHH Tân Sơn do bà Nguyễn Thị Hồng Vân làm Giám đốc. Ông Bùi Văn Hoà, Bùi Văn Lập là người trực tiếp quản lý hoạt động. Tại địa bàn huyện Tân Lạc, Cty Tân Sơn có tới 4-5 hầm khai thác than. Theo ông Khiêm, Cty Tân Sơn được cấp phép thăm dò và khai thác than tại xã Lỗ Sơn khoảng năm 2008. Năm đó, tại đây từng xảy ra một vụ tai nạn lao động khiến một công nhân tử vong. Điều đáng nói là dù tai nạn chết người nhưng CQĐT Công an tỉnh thời điểm đó không khởi tố vụ án, cũng không xử phạt hành chính.

Cũng theo ông Khiêm, dù giấy phép cấp cho Cty Tân Sơn chủ yếu là thăm dò nhưng Cty này đã khai thác rất nhiều than. Hơn nữa, các công đoạn và nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động không được Cty này thực hiện đúng và đầy đủ. Cuối năm 2013, giấy phép trên hết hạn. Đầu tháng 5.2015, Cty này mới xin lại được giấy phép thăm dò khai thác mới. Đến ngày 18.11 thì xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc trên.

16h50, khi hai nạn nhân vẫn nằm sâu trong lòng đất, trời Hòa Bình đang nắng bỗng đổ mưa tầm tã. Mặc cho cơn mưa mỗi lúc một lớn hơn, gia đình nạn nhân vẫn không ngừng dõi theo tin tức từ phía cửa hầm, nơi công tác cứu hộ đang ngày càng trở nên gấp rút.