Trang sử Vietsovpetro đậm bản lĩnh ngành dầu khí

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Con đường lịch sử 40 năm (19/11/1981 - 19/11/2021) với hơn 240 triệu tấn dầu khai thác đã ghi dấu ấn của những người làm dầu khí Vietsovpetro. Từ ngày đầu gian khó, những thời điểm thách thức, đến những niềm vui vỡ òa khi tìm thấy dòng dầu đầu tiên và liên tiếp hàng trăm triệu tấn dầu được khơi lên từ lòng đất mẹ.

Dòng dầu thương mại đầu tiên từ Giàn BK-19
Trước tiên, nhắc đến Vietsovpetro tiếp theo việc khai thác dầu từ Giàn BK-18A, ngày 13/11/2021, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đã tiếp tục khai thác dòng dầu đầu tiên từ Giàn BK-19 mỏ Bạch Hổ, Lô 09-1, thuộc thềm lục địa Việt Nam, cách TP Vũng Tàu khoảng 125km về phía Đông Nam.
Giàn BK-19 mỏ Bạch Hổ.
Sự kiện mang dấu ấn đậm nét về sức mạnh nội lực của tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro. Đây là kết quả quan trọng hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát động ngày 14/8/2021 và phong trào thi đua do Tổng Giám đốc Vietsovpetro phát động, chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (1981 – 2021). Đặc biệt, Công trình BK-19 được Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lựa chọn gắn biển “Công trình chào mừng 60 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 – 27/11/2021)”.
Dự án bao gồm: Giàn đầu giếng BK-19, 3 tuyến đường ống ngầm với tổng chiều dài 11,5 km, 1 tuyến cáp điện ngầm dài 3,5 km và cải hoán giàn MSP-6. Đây là loại giàn mini không người thế hệ mới đầu tiên của Vietsovpetro với việc tối ưu thiết kế giàn mini-BK từ dạng chân đế 4 chân truyền thống sang dạng chân đế 3 chân (tripod platform). Việc Viện NCKH&TK tiếp tục tối ưu thiết kế và chi phí xây dựng các giàn đầu giếng cho phép Vietsovpetro phát triển thêm các mỏ nhỏ, mỏ cận biên trong bối cảnh suy giảm sản lượng khai thác như hiện nay.
Kết cấu chân đế và khối thượng tầng giàn BK-18A và BK-19 được thiết kế ở dạng rất nhỏ gọn với tổng khối lượng xây dựng giảm hơn 35% so với tổng khối lượng xây dựng các giàn BK của Vietsovpetro trước đây (như ThTC-1/2/3, CTC-01, RC-9, BK-16, GTC-01, RC-4/5/6) và giảm hơn 10% so với thế hệ giàn mini-BK gần nhất là BK-20 và BK-21. Tổng dự toán chi phí xây dựng của BK-19 giảm khoảng 40% so với dự toán chi phí xây dựng giàn ThTC-2/ThTC-3 và giảm khoảng 15% so với giàn BK-20/BK-21. BK-18A có giá trị dự toán thấp hơn BK-19 do nằm cạnh MSP-9 (nối qua cầu) nên một số cụm kết cấu, công nghệ trên khối thượng tầng được giảm bớt.
 Người lao động Vietsovpetro trên giàn khoan.
Công trình BK-19 được khởi công ngày 10/3/2021, hoàn thành chế tạo và nghiệm thu trên bờ Khối chân đế vào ngày 8/6/2021, hoàn thành chế tạo và nghiệm thu trên bờ Khối thượng tầng ngày 01/9/2021, hoàn thành công tác lắp đặt trên biển ngày 07/10/2021.
Hội đồng nghiệm thu của Vietsovpetro đã tiến hành nghiệm thu tổng thể giàn BK-19 vào ngày 28/10/2021 với đánh giá dự án này đã được thực hiện đảm bảo đảm chất lượng và an toàn. Giàn BK-19 được đưa vào sử dụng từ ngày 4/11/2021 (vượt tiến độ xây dựng 11 ngày).
Vào hồi 6h00 ngày 12/11/2021, sau khi hoàn thành các công việc chuẩn bị, Xí nghiệp Khai thác dầu khí đã thực hiện gọi dòng giếng khoan số 39BK19, đến 20h00 ngày 13/11/2021 giếng đã cho dòng dầu đầu tiên với lưu lượng ban đầu 50 tấn/ngày. Vietsovpetro kỳ vọng việc tiến hành các công việc kỹ thuật cần thiết để đưa vào khai thác 3 giếng bảo tồn (1901, 1903 và 30) cũng như tiếp tục khoan thêm các giếng khoan mới sẽ làm gia tăng đáng kể sản lượng khai thác dầu của giàn BK-19.
Như vậy, với việc xây dựng thành công giàn BK-18A và BK-19 với thiết kế rất nhỏ gọn và tổng mức đầu tư giảm đáng kể so với các thế hệ giàn Mini-BK trước đây chứng tỏ Vietsovpetro đã rất chủ động và tiếp tục kiên định trong việc định hướng nghiên cứu chi tiết các giải pháp tối ưu thiết kế nhằm mục đích phát triển các mỏ nhỏ, mỏ cận biên trong giai đoạn tận thăm dò tại Lô 09-1 và các lô lân cận.
Thông qua việc thực hiện đồng bộ các hạng mục (giàn BK, các đường ống kết nối ngầm, cầu dẫn và cáp điện ngầm) của các dự án này, Vietsovpetro cũng tiếp tục khẳng định năng lực trong công tác thực hiện các dự án EPCI trong lĩnh vực phát triển các mỏ dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam.
Dấu mốc quan trọng
Trở về thời khắc thành lập, cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trong điều kiện ngành Dầu khí nước ta không chỉ thiếu công nghệ, kỹ thuật mà còn thiếu cả vốn, nhân lực có trình độ cao về khoa học kỹ thuật và khả năng quản lý, sự hợp tác với bên ngoài để tranh thủ các yếu tố trên là điều tất yếu.
Lễ ký Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về việc thành lập Liên doanh Dầu khí Việt - Xô ngày 19/6/1981.
Chủ trương hợp tác đa phương trong hoạt động dầu khí được khẳng định trong Nghị quyết số 244-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 9/8/1975, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng trong việc phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.
Theo Báo cáo số 782/DK-BC ngày 11/4/1977 của Tổng cục Dầu khí, tính từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đã có hơn 30 công ty (thời điểm báo cáo) thuộc nhiều quốc gia, trong đó có những công ty dầu khí lớn quốc tế, xin tham gia vào tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã cho phép Tổng cục Dầu khí ký hợp đồng với 3 công ty: Deminex MBH (CHLB Đức), AGIP S.P.A (Tập đoàn ENI, Italia) và Bow Valley Exploration (Canada). Chỉ sau hơn 1 năm tính từ ngày ký hợp đồng, cả 3 công ty đã khoan được 8 giếng, 6/8 giếng có phát hiện dầu khí.
40 năm hình thành và phát triển, Vietsovpetro đã nỗ lực vượt qua khó khăn khẳng định thương hiệu.
Song, do sức ép cấm vận của Mỹ về kinh tế đối với Việt Nam, đặc biệt cuộc chiến tranh biên giới đã làm gián đoạn mọi kế hoạch thăm dò, khai thác, các công ty dầu khí nước ngoài đồng loạt chấm dứt các hợp đồng dầu khí với Việt Nam vào năm 1979. Nhà nước Việt Nam phải có đối sách mới về hoạt động dầu khí ở thềm lục địa phía Nam. Tuy nhiên, không phải đến lúc này mà ngay từ những tháng đầu sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Nghị quyết 244/NQ-TW của Bộ Chính trị đã đề ra phương hướng quan trọng cho hoạt động dầu khí.
Năm 1979, một đoàn cán bộ cấp cao do Bộ trưởng Đinh Đức Thiện phụ trách dầu khí dẫn đầu đã đi thăm và làm việc tại Liên Xô. Đoàn đã bàn với phía Liên Xô lịch trình cụ thể số lượng chuyên gia sang giúp Việt Nam nghiên cứu tài liệu và xem xét tình hình dầu khí trong phạm vi cả nước.
Bộ Chính trị trong phiên họp ngày 1/12/1979 đã có quyết định hướng hợp tác với Liên Xô về dầu khí: “Hợp tác với Liên Xô có sự tham gia của một số nước trong Hội đồng Tương trợ kinh tế là rất cần thiết để xây dựng ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh và vững chắc, giúp ta tiến tới tự lực tự quản lý các mặt kỹ thuật” (Thông báo số 17-TB/TW).
Ngày 17/12/1979, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã gửi thư cho Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô L.I.Brezhnev, chính thức đề nghị Liên Xô giúp xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam và hợp tác khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Đây được coi là một quyết định có tính lịch sử, mở ra một thời kỳ mới cho ngành Dầu khí nước ta.
Mỏ Bạch Hổ về đêm.
Ngày 3/7/1980, hiệp định giữa Việt Nam và Liên Xô về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam đã được ký tại Mátxcơva.
Một vấn đề được đặt ra là lựa chọn hình thức hợp tác khi thành lập một xí nghiệp liên doanh giữa Việt Nam và Liên Xô, tổ chức và hoạt động như thế nào cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế và đem lại hiệu quả cao nhất, xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật cho ngành Dầu khí hiện đại của Việt Nam, đồng thời cũng nhanh chóng đào tạo được đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật người Việt có trình độ chuyên môn cao? Hai phía đã thống nhất thành lập một dự án liên doanh góp vốn 50/50 bằng hiện vật (không góp vốn bằng tiền) trên cơ sở Hiệp định hợp tác hữu nghị Việt Nam - Liên Xô ký năm 1980 và chọn mô hình xí nghiệp liên hợp thăm dò khai thác dầu khí biển Azerbaijan làm cơ sở xây dựng Liên doanh Dầu khí Việt - Xô.
Ngày 19/6/1981, Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam và Liên Xô về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (ngày nay là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro) được ký kết.
Tròn 5 tháng sau, ngày 19/11/2981, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro được Chính phủ Việt Nam cấp phép hoạt động trên lãnh thổ ở thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một mốc son rất quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Vietsovpetro nói riêng và ngành Dầu khí nói chung.
Con đường lịch sử 40 năm với 240 triệu tấn dầu khai thác thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt, công sức của những người lao động dầu khí kiên cường. Tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro đã khắc ghi tên mình lên trên bản đồ dầu khí của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và thế giới.