Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Tranh cãi" về đơn vị quản lý giáo dục nghề nghiệp

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước "tranh cãi" về đơn vị quản lý giáo dục nghề nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống giáo dục từ bậc mầm non đến đại học (ĐH) chỉ nên giao cho một bộ quản lý.

Có như vậy mới tạo ra mạng lưới giáo dục hài hòa có cơ cấu nhân lực hợp lý.

Song trùng dẫn đến bất cập

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, sự song trùng quản lý về lĩnh vực dạy nghề giữa Bộ LĐTB&XH và Bộ GD&ĐT thời gian qua gây ra những bất cập về quản lý, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, còn làm mất tính chỉnh thể của hệ thống giáo dục, gây khó cho công tác phân luồng và liên thông trong toàn hệ thống giáo dục. Bản thân liên thông giữa dạy nghề và ĐH cũng ách tắc do chuẩn đầu ra ở các trình độ, tiêu chuẩn kiểm định khác nhau... Chính vì thế, Bộ GD&ĐT đề nghị được Chính phủ giao quản lý hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật Giáo dục từ mầm non đến ĐH, trong đó có cả hệ trung cấp và cao đẳng (CĐ) nghề mà hiện Bộ LĐTB&XH đang quản lý.
Giờ thực hành của sinh viên Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Giờ thực hành của sinh viên Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trước đề nghị của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan khẳng định, Bộ này sẽ thực hiện nghiêm quyết định của Chính phủ giao thẩm quyền cho ai. Tuy nhiên, lĩnh vực dạy nghề thuộc Bộ LĐTB&XH quản lý suốt 42 năm qua đã khôi phục và phát triển mạnh. Hơn thế, dạy nghề còn gắn với thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động, thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Vì thế, sẽ hợp lý hơn khi Bộ LĐTB&XH quản lý mảng giáo dục nghề nghiệp. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng đồng tình với quan điểm này. Như TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nhận định, Tổng cục Dạy nghề và Bộ LĐTB&XH đang làm tốt nhiệm vụ của mình. Điều này thể hiện rõ ở quy mô dạy nghề ngày càng mở rộng, chất lượng được nâng cao, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tăng. Bộ LĐTB&XH gắn liền với chức năng của mình là công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, cơ chế chính sách, chế độ cho người lao động. Vì thế, giao dạy nghề cho Bộ LĐTB&XH hợp lý hơn.

Một bộ quản lý để làm tốt phân luồng

Bộ GD&ĐT chuyên quản lý và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; Bộ LĐTB&XH thì nghiên cứu chế độ, chính sách quản lý, sử dụng nhân lực thế nào cho hiệu quả. Nghĩa là 2 Bộ có 2 chức năng khác nhau. Từ quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, đề xuất của Bộ GD&ĐT được quản lý giáo dục nghề nghiệp là đúng, và chỉ cần một bộ duy nhất. Đó cũng là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, học sinh (HS) học hết THCS phải được phân luồng THPT, trung học nghề và trung học kỹ thuật. Từ 3 luồng đó, sẽ có liên thông lên CĐ, ĐH, nhưng theo 2 hướng: Nghiên cứu và ứng dụng thực hành.

“Nếu có một bộ thống nhất quản lý giáo dục, chúng ta mới làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp, liên thông. Còn nếu vẫn 2 bộ quản lý như hiện nay, HS học hết tiểu học lên THCS, THPT, vào ĐH, sẽ không thực hiện được Nghị quyết 29 về phân luồng và dư thừa lao động trình độ CĐ, ĐH” - ông Nhĩ cảnh báo. Còn TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT thì cho rằng, Bộ GD&ĐT phải quản lý cả hệ thống giáo dục thì mới cân đối được về ngân sách, tạo ra mạng lưới giáo dục hài hòa có cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý. Ông Khuyến phân tích: Bao nhiêu năm nay, chúng ta không làm được công tác phân luồng sau THCS. Bộ GD&ĐT thì luôn muốn HS sau THCS lên THPT về kênh của mình. Bộ LĐTB&XH không đón HS học hết bậc THCS bằng việc tạo ra cơ chế mà lại lấy những em tốt nghiệp THPT đi học nghề. Việc này dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy chạy”.

Lãnh đạo một số trường ĐH cũng cho rằng, hệ thống giáo dục quốc dân nên do một cơ quan là Bộ GD&ĐT quản lý thì mới có bản sắc chung, mới có sự phân bố hợp lý bao nhiêu phần trăm đi học nghề, học lên CĐ, ĐH; quy hoạch được các trường CĐ và CĐ nghề… Nếu để 2 bộ cùng quản lý dẫn đến lãng phí về nhân lực và kinh phí, song không lớn bằng việc hệ thống giáo dục bị chia cắt, mục tiêu đào tạo nhân lực cho quốc gia bị ảnh hưởng.