Hưởng lợi bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ PGS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, đã giới thiệu dự thảo Quy chế Tổ chức và hoạt động của ĐH Phan Châu Chinh hoạt động không vì lợi nhuận, để từ đó đưa ra ý kiến về mô hình chung. Theo đó, cơ cấu Hội đồng quản trị gồm các thành viên bên trong trường và bên ngoài trường chiếm tỷ lệ không thấp hơn 51%. Các tổ chức hoặc cá nhân trong và ngoài nước tài trợ vốn đầu tư cho nhà trường bằng cách cho vay vốn tín chấp hoặc cho mượn trong thời gian nhất định, không cần thế chấp tài sản… Các điều kiện giải ngân, thời gian hoàn trả và mức lãi suất thuận lợi hơn so với chính sách cho vay của ngân hàng thương mại trong cùng thời điểm nhằm hỗ trợ cho các trường. Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu không nhất trí bởi dự thảo của một đơn vị không thể áp dụng chung cho các trường. Nhiều người thẳng thắn: Bộ GD&ĐT đang có dự thảo Điều lệ trường ĐH, nay lại có dự thảo ĐH tư thục phi lợi nhuận? Lại thêm một Điều lệ con chăng? "Mức lãi suất thuận lợi hơn" là như thế nào? Giải thích về điều này, ông Nhĩ cho hay, hiện nay luôn xảy ra trượt giá, nếu không có chính sách ưu đãi để thu hút cổ đông, người ta sẽ gửi vốn vào ngân hàng. Trong khi đó, Hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây cho rằng, bản chất trường phi lợi nhuận không phải khó khăn về vốn. Đầu tư vào đó cũng phải tôn trọng luật pháp, đã góp vốn phải chấp nhận mức lãi suất của trái phiếu Chính phủ. Trường phải có chủ Khẳng định thành công của nhà trường hoạt động theo mô hình không vì lợi nhuận, GS Trần Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, không chờ đợi lập ra Điều lệ trường ĐH phi lợi nhuận, vì trong Luật Giáo dục ĐH đã quy định. "Tôi không tán thành 51% thành viên bên ngoài vì như thế là trường vô chủ. Có thể mô hình ấy hoạt động trong một vài năm đầu ổn, nhưng 20 năm nữa ai sẽ là người điều hành?" - ông Phương đặt câu hỏi. Sau những kiện cáo của một vài trường ngoài công lập trong thời gian qua, GS Phương đề nghị các trường hoạt động vì lợi nhuận chuyển sang phi lợi nhuận. Bởi trường phi lợi nhuận không tranh giành quyền lực giữa các nhà đầu tư góp 5 - 7 tỷ đồng cũng như góp 10 triệu đồng, hưởng lãi suất như trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt, đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, trường lại không phải nộp thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp. Mô hình này có lợi cho học trò, cho sự nghiệp giáo dục. Trái quan điểm với GS Phương, PGS Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng ĐH Dân lập Phương Đông đề nghị, chấp nhận sân chơi bình đẳng giữa các loại hình trường với những cam kết. Trước khi chuyển từ trường vì lợi nhuận sang không vì lợi nhuận phải khai tử, rồi lại khai sinh, thay vì chuyển từ A sang B. Cũng nói về hoạt động của trường phi lợi nhuận, bà Bùi Trân Phượng - nguyên Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen khuyến cáo: "Nếu phi lợi nhuận không được ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý sẽ mất nhiều thứ. Tôi kiến nghị, với tài sản chung không phân chia cho phép hình thành vốn chung. Nghĩa là tiền chênh lệch thu - chi của trường được tính thành vốn của nhà trường có cổ phần, có biểu quyết. Như vậy, những người đại diện mới có tiếng nói đối trọng với nhà đầu tư". Chia sẻ với báo chí về mô hình nhà trường, GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội có quan điểm, luật đã quy định hưởng theo lãi suất trái phiếu Chính phủ, nên trước mắt sẽ vẫn theo quy định này. Tuy nhiên, sau khi các trường đã có cơ sở vững vàng, sẽ tự phát huy những tích lũy. Theo GS Quân, rất khó để cấm chuyển đổi từ trường vì lợi nhuận sang phi lợi nhuận vì liên quan đến câu chuyện sở hữu. "Thực ra, khái niệm bất vụ lợi tốt hơn, bởi nó là hoạt động của trường vẫn có lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận được đổ lại cho trường, không phải của người hoạt động nhà trường, như thế mới "sống" được. Chúng ta không hy vọng có một mô hình trường chờ đợi các nhà hảo tâm, mà phải xây dựng để tự nó có thể sống đàng hoàng và nhân ra phổ biến" - ông Quân khẳng định.