Tiếp tục chiến thuật đổ lỗi
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ liên tục phải đón nhận các tin xấu và tác động của việc bị hạ xếp hạng tín dụng đã gây nên một "cơn bão" trên thị trường tài chính toàn cầu, các chính trị gia đã không ngần ngại tiếp tục sử dụng chiến thuật đổ lỗi cho nhau để dành ưu thế. Tổng thống Barack Obama trong chuyến vận động tranh cử tại 3 bang Minnesota, Iowa và Illinois bằng xe buýt đã thừa nhận, kinh tế Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, tình trạng thất nghiệp vẫn chưa được cải thiện. Tuy nhiên, ông cũng không quên đổ lỗi cho "những thách thức ngoài tầm kiểm soát" như: động đất, sóng thần tại Nhật Bản; cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu; giá dầu tăng do các cuộc biểu tình tại Trung Đông, Bắc Phi;... và đặc biệt là sự "chống đối" của phe Cộng hòa để bảo vệ những người giàu nhất nước Mỹ không phải đóng thuế. Ông Obama cho rằng: "Một số người trong Quốc hội muốn thấy đối thủ chính trị của họ thua hơn là nước Mỹ thắng" và đề nghị cử tri phải gửi thông điệp "đã đến lúc phải kết thúc trò chơi chính trị" đến những nhà làm luật của đảng Cộng hòa. Nếu như đảng Dân chủ nhấn mạnh chuyến đi tới 3 tiểu bang vùng Trung Tây nước Mỹ bằng xe buýt là cách để Tổng thống đến gần với cử tri hơn. Thì Mitt Romney, cựu Thống đốc bang Massachusetts, gương mặt nổi bật để trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa đã mỉa mai cách thức tranh cử của ông Obama là "chuyến du ngoạn khốn khổ bằng xe buýt". Đồng thời phê phán Tổng thống "quan tâm đến việc vận động tranh cử ở những bang mà cử tri còn đang do dự hơn là tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang tàn phá tầng lớp trung lưu".
Thế trận giằng co trong đảng Cộng hòa
Mặc dù phải đến tháng 2/2012, mới diễn ra vòng bỏ phiếu đầu tiên để bầu ứng viên của đảng Cộng hòa, nhưng từ cuối tuần trước, trong đảng đã bắt đầu hình thành cuộc đua tam mã giữa Mitt Romney - cựu Thống đốc bang Massachusetts, Rick Perry - Thống Đốc Texas và nữ nghị sĩ Michele Bachmann. Trong đó Rick Perry được xem là một đối thủ lợi hại của ông Obama, nhờ có thành tích tốt trong việc tạo ra công ăn việc làm. Trong khi bà Michele Bachmann dành được sự hậu thuẫn của đảng bảo thủ thì ông Mitt Romney nhận được sự ủng hộ của nhiều đảng viên kỳ cựu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng vẫn còn rất nhiều thời gian cho những thay đổi đột biến trong cuộc đua này.
Obama tận dụng lợi thế
Trong khi đảng Cộng hòa sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để tìm ra được ứng viên ra tranh cử Tổng thống, ông Obama có thể tận dụng lợi thế để gia tăng khoảng cách với đối thủ. Về đối ngoại, chuyến công du Trung Quốc, Nhật Bản - những chủ nợ lớn nhất của Mỹ của Phó Tổng Thống Joe Biden cho thấy quyết tâm nhằm lấy lại niềm tin của giới đầu tư của chính quyền Tổng thống Obama. Đặc biệt, việc bổ nhiệm ông Gary Locke - người Mỹ gốc Hoa là Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc được nhìn nhận là một bước quan trọng trong tiến trình cải thiện quan hệ chính trị, kinh tế với Bắc Kinh. Ngoài ra, việc ông Biden trở thành Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Mông Cổ từ năm 1944, tiếp tục cho thấy chính sách hướng tới châu Á của ông Obama.
Về mặt đối nội, Tổng thống Obama đã bước đầu giành được thế thượng phong khi giới tài phiệt bày tỏ sự ủng hộ chính sách tăng thuế do ông đề xuất. Trong một bài viết trên tờ New York Times, tỷ phú Warren Buffett - người giàu thứ 3 thế giới cho rằng: "Trong khi hầu hết người người Mỹ phải đấu tranh để vượt qua khủng hoảng thì những người cực kì giàu có như chúng ta lại tiếp tục được hưởng những ưu đãi thuế đặc biệt". Theo đó, ông đề nghị đã đến lúc tầng lớp thượng lưu có nghĩa vụ phải đóng thuế nhiều hơn. George Soros, một trong những ông trùm khét tiếng nhất trên thị trường chứng khoán phố Wall và được mệnh danh là nhà đầu tư vĩ đại nhất trong lịch sử cũng lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của Buffett. Đặc biệt, sau khi bài viết được đăng tải có tới 95% trong số 55.000 người tham gia đóng góp ý kiến đã đồng tình với Buffet.