Theo đó, 6 tháng đầu năm, diễn biến kinh tế cho thấy, tăng trưởng đang giảm và lạm phát tăng. Để kiềm chế lạm phát, các chuyên gia góp ý, cần tránh điều chỉnh giá vào cùng một thời điểm để tránh tác động của việc điều chỉnh tới mặt bằng giá, góp phần đảm bảo mục tiêu lạm phát đã đề ra. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2016 ước tính có mức tăng trưởng giảm khá mạnh, chỉ 5,52% so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại tăng khá cao, 2,35% so với tháng 12-2015 và 1,72% so với bình quân cùng kỳ 2015.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Đại diện Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính nhận định, chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường, biến động tăng của giá nguyên nhiên, vật liệu, lương thực, thực phẩm và việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng và lương cơ sở. Cụ thể, giá xăng dầu, giá gas tăng trong quý 2 theo xu hướng biến động tăng của thị trường thế giới. Giá lương thực tăng trong tháng 3 cho đến giữa tháng 5 do thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký cùng với những lo ngại về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến nguồn cung thóc gạo. Nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng thực phẩm dùng trong Tết Nguyên đán, nghỉ lễ cũng đẩy giá mặt hàng này tăng nhẹ trong một số thời điểm… Bên cạnh đó, theo các quy định mới về giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm và giá dịch vụ giáo dục đã tác động tăng giá các mặt hàng thuộc 2 nhóm này tăng 23,12% và 4,47%. Về tình hình 6 tháng cuối năm 2016, TS. Lê Quốc Phương – Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại- Bộ Công Thương cho rằng: Trong bối cảnh GDP khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,8% cả năm, CPI cũng khó đạt được chỉ tiêu dưới 5% so với tháng 12/2015. Giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng theo lộ trình. Đặc biệt khả năng tăng trưởng tín dụng 2016 có thể trên 20%, “đổ vào” các khu vực có tính đầu cơ như chứng khoán, bất động sản cũng sẽ góp phần đẩy giá lên. Ông Phương dự báo, CPI cả năm 2016 sẽ trong khoảng 5-5,5% so với tháng 12/2015 và đạt bình quân 3,5-4%. Cùng chung dự báo này, PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế nhận định, mặt bằng giá trong năm nay có thể có những biến động phức tạp đến từ ngoại sinh như thị trường thế giới, biến đổi khí hậu và từ nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền, biến động tổng cầu,…nên sẽ không loại trừ lạm phát năm 2016 vượt qua mục tiêu 5% của Chính phủ. Để kiềm chế lạm phát, các chuyên gia góp ý, trong trường hợp điều chỉnh giá 6 tháng cuối năm, các cơ quan cần xây dựng phương án lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá vào cùng một thời điểm để tránh tác động của việc điều chỉnh tới mặt bằng giá, góp phần đảm bảo mục tiêu lạm phát đã đề ra.