Tranh minh họa - gia vị cho các tác phẩm văn học

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty sách Đông A vừa phối hợp với Trạm Radio (Kênh Radio hằng tuần về Văn học Việt Nam và thế giới) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Vẽ minh họa làm mới tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam”.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã đề cập đến nhiều yếu tố mới trong những vấn đề cũ của việc minh họa tác phẩm văn chương. Đây cũng được xem là một trong những hướng đi mới của các nhà xuất bản nhằm thu hút bạn đọc trẻ tiếp cận với văn học.
Gần gũi với thế hệ trẻ
Gần đây, có một xu hướng làm mới các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam thông qua việc các đơn vị xuất bản tiến hành “mặc áo mới” cho những ấn phẩm được nhiều độc giả đón nhận. Cụ thể, các đơn vị xuất bản đã chú trọng hơn đến ngôn ngữ thiết kế, đặc biệt là việc chăm chút về hình ảnh thông qua tranh minh họa ở bìa và bên trong nội dung.
Trong đó nhiều tác phẩm đã gây tiếng vang như “Lĩnh Nam chích Quái” hay “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Xóm bờ Giậu” của NXB Kim Đồng; “Việt Nam danh tác”- NXB Nhã Nam. Hay mới đây nhất là tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, “Số đỏ” tiểu thuyết văn học của Nhà văn Vũ Trọng Phụng do Công ty Đông A phát hành...
 Tiểu thuyết ''Số đỏ'' được minh họa làm mới do Công ty CP Văn hóa Đông A phát hành. Ảnh: Đông A
Theo nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn: “Trước đây, minh họa cho tác phẩm văn học đã manh nha, nhưng chỉ với số lượng ít, chủ yếu ở hai hình thức thạch bản là in trên đá và mộc bản là in trên gỗ. Thời kỳ trung đại khái niệm minh họa gần như không có chỉ đến thời hiện đại có in ấn và xuất bản thì việc minh họa cho các tác phẩm mới bắt đầu xuất hiện rõ ràng hơn”.
Điển hình trong thế kỷ XX, có thể kể đến cuốn “Nguyễn Du văn họa tập”, phát hành năm 1942 có 11 tranh, phần lớn là tranh khắc gỗ đã lần đầu tập hợp được đông đảo họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tham gia. Hiện nay, vẽ minh họa cho tác phẩm truyện Kiều vẫn tiếp diễn.
Hay mới nhất là Công ty Đông A vừa giới thiệu đến độc giả ấn bản mới của hai tác phẩm văn học kinh điển là “Số đỏ” và “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”. Trong đó, “Số đỏ” ngoài giá trị về mặt văn bản khi được in theo bản của chủ nhà in Lê Cường (1938) còn được họa sĩ Thành Phong vẽ minh họa xuyên suốt, thể hiện góc nhìn vừa tái hiện được yếu tố trào phúng, châm biếm của những năm 30 thế kỷ trước vừa hiện đại, gần gũi với hôm nay.
Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật, TS Mai Anh Tuấn: “Minh họa cho các tác phẩm văn học kinh điển là thách thức rất lớn vì những tác phẩm đó có độ lùi về văn hóa so với ngày nay. Tuy nhiên nếu thành công, tranh minh họa sẽ giúp người đọc có những cảm nhận mới, gần gũi hơn với thế hệ trẻ ngày nay. Đây cũng là một cơ hội để các hoạ sĩ đương đại có điều kiện làm mới, đa dạng hóa tác phẩm một cách sinh động qua những đường nét của hội họa”.
Không đóng khuôn trí tưởng tượng
Trước những thay đổi trong ngôn ngữ thiết kế, đặc biệt là sự xuất hiện của tranh minh họa, có ý kiến trái chiều cho rằng các tác phẩm mỹ thuật dễ đóng khung một hình ảnh trong suy nghĩ độc giả, từ đó làm mất đi khả năng kích thích trí tưởng tượng của văn bản gốc.
Ở góc độ này, hoạ sĩ Kim Duẩn (NXB Kim Đồng) cho biết: “Khi vẽ minh họa truyện trên sách, báo, tôi thường tránh vẽ chân dung của nhân vật, tôi không muốn đóng đinh nhân vật bằng một gương mặt cụ thể, thường tôi sẽ vẽ nhân vật mờ hoặc ở xa để cho người đọc cũng có sự tưởng tượng nhất định cho nhân vật.
Tôi nghĩ sách có minh họa là điều nên làm vì mục đích ngay từ đầu đã tạo được sự hấp dẫn cho người đọc và giúp họ thưởng thức, cảm thụ tác phẩm dễ chịu hơn. Nếu một cuốn sách làm giảm nhẹ đi yếu tố mỹ thuật sẽ giới hạn độc giả, người đọc sẽ ngại ngần khi đọc những cuốn sách như vậy”.
Cũng theo các chuyên gia, để vẽ được minh họa văn học, người họa sĩ phải có hai phẩm chất quan trọng là phải đọc được lớp nghĩa của tác phẩm văn học và phải có khả năng đồng sáng tạo với tác giả. Do đó có thể coi các tác phẩm minh họa văn chương là những tác phẩm sáng tạo thực thụ, là đồng sáng tạo với văn chương.

"Độc giả không nên quá lo lắng vì hội họa luôn có đóng góp quan trọng trong việc kích thích trí tưởng tượng, khơi gợi, hình dung về bối cảnh sinh hoạt xã hội ở một giai đoạn lịch sử nhất định. Với văn chương, sự “đóng đinh” đầu tiên là chất văn chương rồi hội họa kích thích thêm bằng những tác phẩm có giá trị độc lập và được thực hiện bằng tài năng, công phu của họa sĩ." - Nhà nghiên cứu nghệ thuật, TS Mai Anh Tuấn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần