Trao giải thưởng báo chí về khoa học và công nghệ năm 2016

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa tổ chức Lễ trao giải thưởng báo chí về KH&CN năm 2016 và kỷ niệm 5 năm tổ chức giải thưởng báo chí về KH&CN.

 

Tiếp nối thành công của Giải thưởng từ các năm trước, Giải thưởng báo chí KH&CN lần thứ 5 năm 2016 đã nhận được sự tham gia của hầu hết các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí lớn ở Trung ương và địa phương.

Sự nhiệt tình hưởng ứng của đông đảo phóng viên biên tập viên, với số lượng lớn tác phẩm chất lượng, đầy đủ về loại hình và phong phú đa dạng về chủ đề đã đem đến một mùa giải thành công.

Trong 1 năm, tính đến ngày 15/12/2016, số lượng các tác phẩm báo chí về KH&CN tham dự Giải thưởng năm 2016 là 755 tác phẩm thuộc 4 loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình. Năm 2016 cũng ghi nhận sự thành công của các tác phẩm xuất sắc tham dự Giải thưởng.

Số lượng Giải thưởng đã xấp xỉ cơ cấu tối đa của Giải thưởng đối với 4 loại hình báo chí là: 4 giải Nhất, 4 giải Nhì, 7 giải Ba và 9 giải Khuyến khích.

Có thể nói, các tác phẩm báo chí thuộc 4 loại hình trên đã phản ánh được đầy đủ, sâu sắc hoạt động đầy sôi động của ngành KH&CN, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạch tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung cải cách thủ tục hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Năm 2016 cũng là năm Bộ KH&CN kỷ niệm 5 năm tổ chức Giải thưởng. Với tinh thần làm việc thận trọng, nghiêm túc, khách quan và công bằng của Ban tổ chức, các Hội đồng Sơ tuyển khu vực phía Bắc, phía Nam, Hội đồng Chung tuyển và các đơn vị liên quan, Giải thưởng đã đáp ứng được mục đích, yêu cầu của Quy chế đề ra.

Quá trình xét thưởng được thực hiện theo đúng quy định từ việc tiếp nhận đăng ký, đánh giá, xét chọn đến thẩm định tác phẩm, tác giả, nội dung, BTC đã nhận được tổng cộng 3.810 tác phẩm, lần lượt với báo in là 2.149 tác phẩm, báo điện tử là 944, phát thanh là 282 và truyền hình là 435 tác phẩm.

Trong 5 năm tổ chức giải thưởng đã có 117 tác phẩm đoạt giải (12 giải Nhất, 21 giải Nhì, 37 giải Ba và 47 giải Khuyến khích), gắn với danh sách tác giả là hàng trăm nhà báo, phóng viên.

Rất nhiều tác phẩm đã tạo được hiệu ứng truyền thông tốt về một số chủ đề thời sự như: gắn NCKH với doanh nghiệp, phát triển thị trường KH&CN, khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ các nút thắt đẩy nhanh phát triển KH&CN, góp phần kết nối nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ gắn với sản xuất và đời sống.

Hầu hết các tác phẩm thể hiện sự đầu tư, công phu của các tác giả về các chủ đề, các đánh giá bình luận cũng đồng thời phản ánh được yêu cầu và tác động của KH&CN.

Một số tác phẩm phát thanh, truyền hình có kịch bản, đạo diễn, thể hiện, hậu kỳ,… có chất lượng tốt cả về nội dung và rất chuyên nghiệp, âm thanh hình ảnh sống động, tác phẩm hấp dẫn thuyết phục độc giả.

Các tác phẩm được giải thưởng cao cũng đã viết, nói được về những trăn trở tìm tòi hướng đến đổi mới sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học và thành công trong quá trình triển khai ứng dụng, thể hiện rõ hiệu quả kinh tế và xã hội thiết thực.

Giải thưởng báo chí KH&CN năm 2017 sẽ tiếp tục được phát động và đây là sự ghi nhận của Bộ KH&CN trong việc góp phần vinh danh những nhà báo có tinh thần khoa học, những nhà báo có đóng góp cho sự phát triển KH&CN của đất nước bằng chính các tác phẩm của mình.
Được bắt đầu tổ chức từ năm 2012, Giải thưởng báo chí KH&CN được Bộ KH&CN tổ chức nhằm trao tặng cho các tác giả là công dân Việt Nam, có tác phẩm báo chí xuất sắc về KH&CN, đã đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Giải thưởng có mục đích nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của KH&CN trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông về lĩnh vực này.

Ngoài ra, Giải thưởng còn tạo động lực nhằm khuyến khích các phóng viên, cơ quan báo chí tích cực tham gia tuyên truyền về KH&CN, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh; nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KH&CN trong thời kỳ hội nhập và phát triển.