Trong cuộc nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì lên đến 50%.
Cuộc nghiên cứu này do trường Đại học Okayama tiến hành và đã được đăng tải trên Tạp chí Nhi khoa JAMA.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Đẹp/Vietnam+)
|
Kết quả thu được từ cuộc nghiên cứu cho thấy, những em bé được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì 50% cho đến năm tám tuổi. Nguy cơ trẻ bị thừa cân trong những giai đoạn sau đó cũng giảm 15% so với trẻ uống sữa công thức.
Từ số liệu đã thu thập được, các nhà khoa học tại Nhật Bản khuyến cáo, việc cho con bú cần được khuyến khích, ngay cả với các quốc gia đang phát triển. Bởi, bú mẹ có tác động lâu dài đến việc tăng cân nặng của trẻ.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 4.300 trẻ em Nhật Bản sinh năm 2001. Dữ liệu thu thập gồm các thông tin về việc, trẻ có được bú mẹ hay không và các thông tin ăn uống khác của trẻ.
Các nhà nghiên cứu cũng xác định tình trạng thiếu cân, cân nặng bình thường và thừa cân của trẻ ở độ tuổi bảy và tám dựa trên các tiêu chuẩn chung về cân nặng, chiều cao và giới tính của trẻ.
Các số liệu thu được cho thấy, trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong sáu hoặc bảy tháng đầu đời giảm nguy cơ thừa cân và béo phì ở độ tuổi đến trường so với trẻ uống sữa công thức.
Ở tuổi thứ bảy, trẻ bú sữa mẹ giảm 15% nguy cơ bị thừa cân và 45% nguy cơ bị bệnh béo phì. Tỷ lệ giảm nguy cơ thừa cân cũng ở mức tương tự khi trẻ tám tuổi, nhưng tỷ lệ giảm nguy cơ béo phì tăng lên mức 55%.
Trẻ bú sữa mẹ tăng cân chậm hơn, bởi sữa mẹ nó tác động đến thói quen ăn uống của trẻ với chế độ lành mạnh hơn. Trong khi, sữa công thức làm tăng sản xuất tế bào chất béo và thúc đẩy tăng cân suốt thời thơ ấu.