Trẻ di cư vị thành niên bị Anh - Pháp "đùn đẩy"

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dẹp bỏ khu lán trại di cư ở Calais (Pháp) đã cho thấy sự bối rối và thiếu trách nhiệm của các chính phủ châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.

Calais vốn là biểu tượng cho sự thất bại của Liên minh châu Âu (EU) trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Cuối tháng 10, chính phủ Pháp quyết định dẹp khu lán trại của người di cư này nhưng số phận của những trẻ di cư vẫn bị “đùn đẩy” giữa chính phủ Anh và Pháp.
 Trẻ di cư vị thành niên ở trại Calais, Pháp.
Khu trại Jungles (Rừng rậm) tại Calais, Pháp là nơi tạm trú của hơn 6.000 người nhập cư và tị nạn. TP cảng Calais trở thành “điểm nóng” của người tị nạn kể từ năm ngoái, khi hàng chục nghìn người nhập cư trái phép đổ tới đây chờ cơ hội trốn sang Anh với hy vọng được hưởng cuộc sống tốt hơn. Trong số đó có khoảng 1.500 trẻ vị thành niên không có người thân đi cùng. Theo quy định của Tu chính án Dubs, trẻ em trong tình trạng dễ bị tổn thương, như trẻ em gái và các em dưới 13 tuổi, được phép tị nạn vào Anh, dù không có người thân tại đây. Tuy nhiên, tính đến nay, Anh mới chỉ tiếp nhận 274 trẻ trong nhóm tị nạn ở Calais.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve yêu cầu Anh phải gánh trách nhiệm tiếp nhận những trẻ vị thành niên tị nạn không có người lớn đi kèm hiện đang tạm trú ở Calais. Cũng theo giới chức Pháp, hiện vẫn còn gần 1.200 trẻ vị thành niên tại đây, chủ yếu đến từ Sudan, Afghanistan, Ethiopia. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đề nghị giới chức Anh cần nhanh chóng thực hiện "bổn phận đạo đức" của mình. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May đã từ chối đưa ra thêm bất kỳ cam kết nào về việc tiếp nhận trẻ em từ trại tị nạn Calais.
Khi chính phủ Paris và London đang mải tranh cãi xem trách nhiệm thuộc về ai, số phận của khoảng 1.500 trẻ tị nạn vị thành niên vẫn “lơ lửng” trong các ngôi nhà tạm dựng bằng container. Người tị nạn ở Calais đã phải sống trong tình trạng tồi tệ khi không có nguồn nước, thiếu hệ thống xử lý nước thải. Bầu không khí bị bao trùm bởi mùi nhựa cháy và nước thải. Các gia đình còn phải ngủ trong những chiếc lều gỗ ẩm ướt vào mùa Đông. “Tình trạng của khu lán trại còn tệ hơn cả những khu ổ chuột tồi tàn nhất của Mumbai, Ấn Độ”, một người tị nạn chia sẻ. 

Nhưng tất cả điều này đã bị bỏ qua, chính phủ Anh và Pháp đã không có sự hỗ trợ đối với những người di cư tại đây. Những người chỉ trích cho rằng, chính phủ cả 2 nước đã thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại Calais trong suốt 18 tháng qua và đoạn kết “hỗn loạn” này chỉ đơn thuần là kết quả đã được dự đoán trước.
Trong khi đó, những người di cư vẫn cố gắng tự giải quyết khó khăn của mình, liều mạng trốn trong các xe đông lạnh để tìm cách vào Anh bất hợp pháp. Kết cục của trại Calais đã xong, nhưng kết cục của những người di cư đang liều mạng mỗi ngày vẫn chưa ngã ngũ. Cái chờ đợi họ là đói khát, là bệnh tật, đôi khi có thể là cái chết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần