Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ em - chủ thể đặc biệt trong tiếp cận thông tin

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho rằng trẻ em phải được coi là một chủ thể đặc biệt trong...

Kinhtedothi - Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho rằng trẻ em phải được coi là một chủ thể đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin; thông tin cung cấp cho trẻ em phải đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu, có thể tiếp cận được và phù hợp với khả năng hiểu biết và độ tuổi của trẻ em.

Ý kiến trên được đưa ra tại Diễn đàn về các nội dung liên quan đến trẻ em trong Luật tiếp cận thông tin và Luật về Hội do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp tổ chức sáng 10/9, tại Hà Nội.

 
(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Nhiều ý kiến cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều quy định liên quan tới quyền tiếp cận thông tin của trẻ em, bao gồm những quy định xác định trẻ em là chủ thể tiếp cận thông tin, tuy nhiên mới chỉ có lĩnh vực tư pháp-hộ tịch quy định đầy đủ tính chất của chủ thể đặc biệt này.

Theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, dự thảo Luật tiếp cận thông tin cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận của trẻ em với các thông tin cần thiết cho sự sống còn, sự phát triển, cũng như khả năng tham gia một cách có ý nghĩa trong xã hội của trẻ em. Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các thông tin cung cấp cho trẻ em phải đầy đủ, kịp thời, dễ tiếp cận và dễ hiểu với mọi trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Luật sư đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm quy định nghiêm cấm việc cung cấp, sử dụng thông tin vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hay ảnh hưởng tới sự sống còn và sự phát triển của trẻ em. Các quy định của dự thảo Luật tiếp cận thông tin, Luật trẻ em và dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) cần phải phù hợp và thống nhất với nhau để bảo đảm tính thống nhất của các quy định pháp luật và bảo đảm sự tôn trọng các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Ngọc Oanh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết quyền thông tin của trẻ em cần phải được hiểu là mọi trẻ em không có sự phân biệt về giới tính, thành thị, nông thôn, thành phần dân tộc… đều có quyền bày tỏ ý kiến, tìm kiếm và phổ biến thông tin, bày tỏ quan điểm và tiếp cận thông tin phù hợp. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo các quyền này trên cơ sở lợi ích tốt nhất của trẻ.

Luật gia Lê Thế Nhân đánh giá việc giới hạn tuổi trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện tại liên quan đến quyền tự do lập hội của công dân đã ảnh hưởng quyền tự do hội họp hòa bình và lập hội của trẻ em; các quy định hiện tại không khuyến khích quyền tự do lựa chọn hay tôn trọng sự đa dạng việc lập hội của trẻ em.

Đối với Luật về Hội, Luật gia Lê Thế Nhân đánh giá dự thảo thiếu cơ chế đảm bảo quyền tự do thành lập, tham gia hội nhóm và hội họp hòa bình của trẻ em. Theo luật gia, quy định tại dự thảo khó phát huy được tính “xã hội” của các tổ chức hội cũng như tiếng nói tập thể của mọi người dân, kể cả trẻ em.

Dự thảo cần được xây dựng trên quan điểm bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do hội họp và lập hội của mọi người dân; là cơ sở pháp lý đảm bảo để người dân thực hiện quyền này; không nên tạo ra các rào cản về điều kiện, thủ tục hành chính nhà nước can thiệp vào quá trình nội bộ của hội, làm cản trở quyền tự do hội họp và lập hội của người dân…

Các ý kiến ghi nhận tại Diễn đàn góp phần hoàn hiện các dự thảo luật, sẽ được trình và thảo luật tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 dự kiến khai mạc vào tháng 10.