Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ em chưa có môi trường an toàn để bày tỏ quan điểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi đối thoại "Sự tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng – hoạch định chính sách liên quan đến trẻ em" sáng 16/3, nhiều người đồng tình với nhận định trẻ em chưa có môi trường an toàn để đưa ra quan điểm và mong muốn của mình.

Dễ nhận thấy, các vụ xâm hại tình dục trẻ em, khi phát hiện ra thì đã muộn. Cho dù trẻ em biết kẻ xâm hại mình và cộng đồng cũng nắm được thông tin, nhưng không ai lên tiếng. Vụ việc xảy ra ở trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) thì trẻ bị áp đặt tham gia khảo sát có kết quả hoàn toàn sai lệch theo chỉ đạo của người lớn... Các em đã bị tước đi quyền của mình, thậm chí không có quyền nói “không”. Trong nhiều diễn đàn lấy ý kiến chính sách, trẻ em đọc những bài phát biểu mang "chất" của người lớn... “Từ trong gia đình, nhà trường lên tới cấp cơ quan làm chính sách đang có lỗ hổng trong việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em” – bà Nguyễn Phương Linh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) khẳng định.
 Giờ học cô và cháu trường Mầm non An Dương.  Ảnh: Việt Dũng
Vì thế, để đảm bảo sự tham gia của trẻ em, bà Hoàng Thu Trang – Quản lý chương trình, Trung tâm MSD cho rằng cần có 4 yếu tố: Không gian, tiếng nói, thính giả, tính ảnh hưởng. Đó là một không gian hòa nhập để trẻ em thể hiện quan điểm của mình và không có sự phân biệt đối xử về giới tính, trình độ học vấn, ngôn ngữ, tôn giáo, hoàn cảnh của bản thân. Không gian ấy phải an toàn, đảm bảo cho trẻ em được bảo vệ khỏi mọi sự xâm hại. Đó cũng là không gian đối thoại hai chiều, trên tinh thần xây dựng, lắng nghe. Và những ý kiến của trẻ cần được ghi nhận nghiêm túc, đưa vào thực tiễn một cách hợp lý.
“Câu lạc bộ (CLB) phóng viên trẻ quyền trẻ em” là một mô hình được Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em được giới thiệu tại sự kiện này. Ông Nguyễn Mạnh Dũng – Cán bộ truyền thông của Hội cho biết, từ năm 2010, Hội thành lập CLB này tại Hà Nội nay tăng thêm 20 CLB ở nhiều tỉnh, TP. Từ những hoạt động của trẻ góp ý xây dựng Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011 – 2020; truyền thông về quyền trẻ em; viết tin, bài, phóng sự phản ánh về quyền trẻ em... đã mang lại hiệu ứng tốt. “Trẻ có thái độ hợp tác tích cực và chính các em sẽ giúp chúng ta tìm ra những giải pháp hữu hiệu để vận động cộng đồng tham gia; đồng thời phát huy được năng lực của bản thân trẻ như hiểu biết về quyền trẻ em, rèn luyện kỹ năng sống...” – ông Dũng khẳng định.
Bên cạnh đó, dự án “Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội, đoàn thể và học sinh trong việc thúc đẩy giáo dục có chất lượng, gìn giữ văn hóa và bản sắc dân tộc trong trường học” được thực hiện tại 10 trường phổ thông của huyện Văn Chấn (Yên Bái) thông qua Hội đồng tự quản và CLB trẻ em. Và cũng còn một số mô hình khác được triển khai tại trường học. Tuy nhiên, vì nằm trong khuôn khổ dự án nên số trẻ tham gia không nhiều. Bởi vậy, đại diện của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, để nhiều trẻ em tham gia, cần đào tạo từ gia đình, nhà trường. Cụ thể cha mẹ cho trẻ góp ý kiến khi làm những công việc lớn trong nhà, nhà trường cho học sinh xây dựng nội quy... Đây cũng chính là thông điệp được đưa ra tại buổi đối thoại.
Thủy Trúc