Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ em nghiện Facebook: Hiểm họa tiềm ẩn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, Việt Nam đã có 22 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook, trong đó đa phần là thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, con số này lại đồng hành với nỗi lo lắng của người lớn, đặc biệt là khi kỳ nghỉ hè đang tới gần.

Sống ảo = vô trách nhiệm

“Một ngày em dành hơn 10 tiếng để vào Facebook, không sử dụng thường xuyên thì em rất khó chịu. Vì thế em tìm mọi cách, tận dụng quỹ thời gian để vào trang mạng này” - một học sinh (HS) lớp 9 ở Hà Nội cho hay. Giờ đây, Facebook đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều HS, nhất là ở đô thị. Dễ dàng thấy HS cấp 2, cấp 3 sau giờ tan học tụ tập ở quán hàng ăn vặt, thậm chí đứng ở cổng trường chờ người nhà đến đón, mắt chăm chú vào màn hình di động. Các em tranh thủ vào face để cập nhật hình ảnh mới, like, comment những nội dung đang "hot" trong đám bạn bè... Không sai khi có người khẳng định "Facebook không khác gì chất gây nghiện".
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
"Nghiện" Facebook không chỉ khiến HS mất thời gian, xao nhãng việc học mà còn rơi vào thế giới ảo. Một HS bị sốc và tuyệt vọng khi làm mất tài khoản có hơn 1.000 người theo dõi, đã nhanh chóng lập một tài khoản Facebook mới, cập nhật trạng thái liên tục để gây ấn tượng với mọi người. Sau thời gian ngắn, tài khoản có hơn 600 người theo dõi, em rất tự hào. Nói về tác động của thế giới ảo tới thanh thiếu niên, một chuyên gia tâm lý cho biết: Các em làm một cách thoải mái và không chịu trách nhiệm về hành vi đạo đức cũng như lời nói của mình. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến lối sống vô trách nhiệm khi trở về đời sống thực tại. Điều này sẽ vô cùng nguy hại. Không những thế, môi trường Facebook có nhiều nguy hiểm tiềm ẩn, nhất là khi chưa được trang bị những kỹ năng phòng tránh. Theo thông tin từ Đại tá Trần Mười - Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an: Mỗi năm, Cảnh sát hình sự phát hiện gần 10.000 vụ xâm hại trẻ em, gần 10.000 nạn nhân và đối tượng. Tỷ lệ xâm hại tình dục trẻ em chiếm đến 80%, trong đó khoảng 2/3 bị xâm hại qua môi trường mạng. Bên cạnh đó, loại tội phạm lứa tuổi chưa thành niên (theo Luật Hình sự cũ) mỗi năm xảy ra gần 10.000 vụ với ngần ấy nạn nhân cũng như đối tượng. Và đó mới là con số mà ngành công an nắm được, thực tế còn nhiều hơn.

Đưa kiến thức vào nhà trường
Qua công tác nắm tình hình trên các diễn đàn xã hội, số thanh niên tham gia có nội dung đồi trụy, đồng tính trẻ em lên tới hàng ngàn… Với sự phát triển như vũ bão của internet, mạng xã hội, tội phạm xâm hại trẻ em sẽ tiếp tục coi đây là mảnh đất lý tưởng. 

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng. Trước tiên, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vẫn là khái niệm mới đối với các phụ huynh cũng như trẻ em. Mà đa phần trẻ bị xâm hại có hoàn cảnh khó khăn, không có đầy đủ sự quan tâm của gia đình. Vì thế, khi bị xâm hại, các em không có người chia sẻ. Và do mặc cảm, tự ti nên các em không tố cáo hành vi của đối tượng. Đặc biệt, như Thượng tá Hoàng Xuân Phóng - Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an chỉ ra: Trong chương trình giáo dục phổ thông chưa có nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em, nên các em chưa nhận thức được các nguy cơ về vấn đề này.

Vì thế một trong những giải pháp cần thực hiện ngay là đưa nội dung phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Việc này nhằm trang bị kỹ năng nhận biết, phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, từ đó đề cao cảnh giác, tự bảo vệ bản thân trước các nguy cơ. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cho biết, vấn đề này sẽ được thực hiện cùng với việc xây dựng đề án bảo vệ chăm sóc trẻ em. Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH và Bộ GD&ĐT đã phối hợp để có định hướng cho các nhà trường, giáo viên hướng dẫn các em cách sử dụng công nghệ và điện thoại an toàn. Trong khi đó, bà Afrooz Kaviani Johnson - chuyên gia tư vấn bảo vệ trẻ em Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho rằng, nên có sự tham gia của các cơ quan, công ty tư nhân. Họ là những nhà sáng tạo, đi đầu trong giới công nghệ để ngăn ngừa hành vi tội phạm có thể xảy ra.