Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ hóa trọng tài vì thiếu người?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một lớp tập huấn trọng tài giám sát như thông lệ, nhưng nét mới năm nay là việc nhiều trọng tài còn trẻ được triệu tập, cụ thể là 6 trọng tài và 3 trợ lý từ giải hạng Nhất được đôn lên.

Ông trưởng Ban Trọng tài bảo đó là chủ trương đã có từ mấy năm qua, nhưng do chưa có được lớp kế cận, nên đến hôm nay mới quyết liệt triển khai.

Nhiều năm rồi, câu chuyện trọng tài vẫn luôn là điểm nóng của sân cỏ quốc nội, bởi những lùm xùm và tranh cãi xung quanh lực lượng, chất lượng cũng như cái tâm của tiếng còi. Đến nỗi, những vòng đấu cuối của V-League 2014, những nhà tổ chức phải dùng đến giải pháp mời trọng tài ngoại.

 
Một số trọng tài trẻ đã được đôn lên làm nhiệm vụ tại V-League 2015. (Ảnh: Tuệ Chính)
Một số trọng tài trẻ đã được đôn lên làm nhiệm vụ tại V-League 2015. (Ảnh: Tuệ Chính)
Nhưng xét cho cùng, V-League vẫn phải sử dụng trọng tài nội. Vấn đề là trọng tài nội phải nhận thức mới về nghề nghiệp, trách nhiệm của mình với bóng đá chuyên nghiệp, nơi đang cho họ chế độ đãi ngộ cao đột biến so với thế hệ trước.

Một mặt, lãnh đạo VFF và VPF phải “thấu hiểu” một điều: nếu chỉ đầu tư cho thế hệ trọng tài đang điều hành các giải chuyên nghiệp hiện nay về vật chất, trang thiết bị (đang khá tốt), mà chưa chú trọng công tác đào tạo trẻ, chăm sóc trọng tài trẻ, thì không thể tạo ra bước chuyển cơ bản cho sự nghiệp phát triển trọng tài. Ông Đoàn Phú Tấn, một người có uy tín trong giới trọng tài, đã nhiều lần bày tỏ mong ước có một chế độ tốt trong công tác đào tạo trọng tài trẻ.

Trẻ hóa đang là xu thế không chỉ riêng trong địa hạt bóng đá, là điều nên làm và được khuyến khích. Nhưng trẻ hóa không có nghĩa là trang bị cho trọng tài trẻ cái quyền rút thẻ vô tội vạ để thị uy, che giấu khiếm khuyết chuyên môn như từng xảy ra, mà như phân tích ở trên, phải trang bị cho thế hệ trọng tài trẻ một nhận thức mới về lòng tự trọng, danh dự, trách nhiệm và lòng yêu nghề.

Cạn người thì phải trẻ hóa, không biết nên vui hay nên lo.