Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trên 1 tỷ USD đền bù, thu hồi đất xây Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Chính phủ kiến nghị Quốc hội phê duyệt tổng mức giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án này hơn 23.000 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD).

Trong đó, 18.000 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hơn 4.000 tỷ xây dựng hạ tầng các khu tái định cư.
Sáng 27/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày nguồn vốn và cơ cấu vốn triển khai dự án theo đề xuất của Chính phủ là ngân sách Trung ương hơn 21.800 tỷ đồng (chiếm 95% tổng mức đầu tư dự án), Ngân sách Trung ương ứng 1.160 tỷ đồng (chiếm 5% tổng mức đầu tư dự án), UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách Trung ương theo quy định.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet
Như vậy, ngoài 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 thông qua, dự án cần tiếp tục bố trí bổ sung nguồn vốn 18.049 tỷ đồng.
Tổng diện tích thu hồi đất của dự án là 5.586,14ha (trong đó, đất vườn cây cao su hơn 2.378ha, đất của hộ gia đình cá nhân sử dụng hơn 2.970ha, đất do cơ quan, tổ chức sử dụng hơn 109ha và đất giao thông, sông suối khoảng 106,7ha).
Nếu GPMB sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, việc triển khai các bước tiếp theo sẽ kéo dài do phải phụ thuộc tiến độ bàn giao mặt bằng. Chưa kể, kinh phí đền bù tăng do biến động giá thị trường và đời sống của người dân, hoạt động của các DN, cơ quan trong vùng dự án sẽ tiếp tục gặp thêm nhiều khó khăn.
Theo Tờ trình, Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các nội dung cụ thể được thực hiện theo khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Làm rõ trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ cho biết, về lộ trình thực hiện, Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng phương án thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án. Tuy nhiên, do khối lượng công việc quá lớn nên không thể triển khai trong một năm mà sẽ được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện liên tục từ năm 2018 với Khung chính sách đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và nguồn vốn được bố trí.
Với tính chất, quy mô của Dự án, trong khi cần thực hiện GPMB 1 lần, cần tập trung vốn ngân sách để bố trí cho Dự án. Tuy nhiên để thuận lợi hơn, nhất là trong điều kiện nguồn vốn đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, ngoài những chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội cần có những cơ chế đặc thù để triển khai.
Để tạo thuận lợi cho việc triển khai dự án, nhất là trong điều kiện nguồn vốn đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, ngoài những chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền, Chính phủ kiến nghị Quốc hội.
Xem xét, thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành với các cơ chế đặc thù nêu trên; Giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án để phê duyệt theo quy định làm cơ sở để triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân có đất bị thu hồi; bàn giao mặt bằng theo tiến độ thi công các hạng mục cảng hàng không; Xem xét, cân đối bổ sung vốn cho dự án từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đáp ứng tiến độ Dự án.
Thảo luận tại tổ sáng 27/10, các đại biểu Quốc hội đồng tình cần sớm triển khai dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành nhưng lưu ý 3 nội dung: Giá đất, công tác tuyên truyền và xem xét khả năng giao việc quản lý dự án đã hợp lý chưa, có vượt quá thẩm quyền hay không?