Khá nhiều "liều thuốc" hạ sốt được đưa ra nhưng có lẽ thuốc chưa đủ mạnh để trị tận gốc căn bệnh trầm kha của nền kinh tế.
Căn nguyên của lạm phát
Các chuyên gia kinh tế nhận định, lạm phát trong nước khó kiềm chế có nguyên nhân khách quan do giá cả thế giới tăng cao, trong khi chúng ta phụ thuộc nhiều vào các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu như: giá xăng dầu đã tăng 28,4%, thép thành phẩm tăng 27,6%, bông xơ tăng tới hơn 45%... gây ra áp lực lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát còn có yếu tố chủ quan ở nội bộ nền kinh tế nước ta. Bởi cũng với tình hình thế giới như vậy thì lạm phát nước khác cũng chỉ dao động từ 4 - 5%.
Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2011 của Chính phú tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII khai mạc sáng 21/7 cũng xác nhận, nguyên nhân của lạm phát cao ở nước ta thời gian qua có yếu tố bên ngoài như giá lương thực, xăng dầu quốc tế tăng và tình hình lạm phát cao ở nhiều nước. Nguyên nhân bên trong được Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra là do tác động của việc sử dụng gói kích thích kinh tế và việc tăng giá điện, xăng dầu, tăng lương cán bộ, công chức.
Xét một cách toàn diện, lạm phát Việt Nam luôn biến động và có xu hướng tăng cao ở một số năm gần đây là do cơ cấu kinh tế lạc hậu. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, chúng ta quá thiên về chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng mà chưa chú ý đầy đủ đến yếu tố lạm phát và giá cả.
Ngoài những nguyên nhân cơ bản trên thì hệ thống phân phối hàng hóa đang quá nhiều khâu trung gian; tình trạng độc quyền hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh một số mặt hàng như điện, nước, xăng dầu… cũng góp phần làm lạm phát và giá cả tăng cao.
"Thuốc" cũ vẫn còn nguyên giá trị
Những năm 1989 - 1991, Việt Nam đã từng phải chống chọi với sức ép lạm phát 3 con số. Khi đó, để kéo lạm phát xuống dưới 2 con số, Chính phủ đã giải phóng sức sản xuất thông qua khoán 10, cho phép tư thương, tư nhân kinh doanh buôn bán, xóa bỏ chế độ 2 giá với hầu hết các mặt hàng, kiên quyết không bao cấp cho doanh nghiệp nhà nước, giải thể, sáp nhập doanh nghiệp yếu kém, hoạt động không hiệu quả, giảm bớt chi tiêu ngân sách…
Ông Phú cho rằng, "liều thuốc" năm xưa vẫn còn nguyên tác dụng cho nền kinh tế ngày nay. Theo đó, chúng ta phải từng bước tái cơ cấu nền kinh tế từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, giải phóng sức sản xuất, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Cải tổ, sắp xếp, cổ phần hóa nhanh các doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục giảm đầu tư công, nâng cao hiệu quả của đầu tư nhà nước, kiên quyết xóa bỏ chính sách 2 giá manh nha từ những điểm bán hàng bình ổn giáđến nay.
Song song với các biện pháp trên, cần xây dựng một hệ thống phân phối đủ mạnh, đưa thẳng hàng hóa từ sản xuất đến tay người tiêu dùng, đồng thời làm tốt công tác kiểm soát thị trường; Kiên quyết xử lý những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, trốn thuế. Những con số của lực lượng quản lý thị trường Hà Nội trong 6 tháng đầu năm cho thấy, tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại còn rất phổ biến. Các ngành chức năng đã xử lý 3.388 vụ, thu phạt hơn 26,6 tỉ đồng, nhưng nếu chúng ta làm quyết liệt hơn, lực lượng quản lý thị trường đông đủ hơn thì con số này có thể cao hơn nhiều lần.
6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 13,29%. Dự kiến, CPI tháng 7 của cả nước sẽ ngấp nghé mức 15% (mức chỉ tiêu Chính phủ điều chỉnh cho cả năm 2011) khi mà CPI tháng 7 của Hà Nội đã tăng 1,32% và TP. Hồ Chí Minh tăng 1,07%. Theo số liệu thống kê hàng năm (từ 2004 đến nay), CPI các tháng cuối năm của từng năm kế hoạch đều cao hơn con số trên (trừ 6 tháng cuối năm 2008 tăng 1,22%). |