Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tri thức trẻ hiến kế phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Phương Đoàn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 27/11, tại phiên thảo luận của Diễn đàn tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã diễn ra hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” với sự quan tâm của rất nhiều đại biểu. Tại Hội thảo, các ý kiến đưa ra đều hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nguồn nhân lực chất lượng cao

Giải pháp thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ở trường đại học
Qua tham luận “Phát triển giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam”, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Huyền (Nghiên cứu sinh tại St. Petersburg National Research University of Information Technologies, Nga) khẳng định, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng khởi nghiệp là hoạt động được quan tâm đặc biệt. Theo đánh giá của Thanh Huyền, sinh viên là đối tượng tiềm năng của khởi nghiệp và trường đại học là môi trường khởi nghiệp quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, giáo dục khởi nghiệp ở Việt Nam lại chưa được quan tâm đúng mức, đa số các trường đại học của Việt Nam chưa đưa giáo dục khởi nghiệp vào giảng dạy chính thức, đặc biệt là ở các trường kỹ thật, dạy nghề.
 Đại biểu trình bày tham luận
Giải pháp Thanh Huyền đưa ra là đưa giáo dục khởi nghiệp vào tiêu chí kiểm định chất lượng đại học. Tăng cường cơ chế tự chủ để nâng cao tính cạnh tranh của trường. Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp trong trường đại học, như vậy mới thúc đẩy được hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Bởi, thông qua chương trình học của giáo dục khởi nghiệp, sinh viên không chỉ được tiếp cận với kiến thức vận hành doanh nghiệp mà còn nhận được một tổ hợp kiến thức, kỹ năng phù hợp với khả năng thực tế của nhà trường và nhu cầu, trình độ của sinh viên như: Kỹ năng đối mặt với thất bại, kỹ năng giao tiếp, nắm bắt cơ hội, giải quyết vấn đề… Khởi nghiệp không chỉ tạo ra những doanh nhân mà còn tạo ra nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng.Giải quyết được vấn đề này, các bạn sinh viên sẽ không còn loay hoay với những ý tưởng khởi nghiệp của mình.

 Những dự án phát triển giáo dục bền vững
Hoàng Đức Anh và nhóm của mình xây dựng Khung Đánh giá Chất lượng Chương trình Giáo dục Bền vững theo chuẩn UNESCO – SGD 4 (Phát triển bền vững giáo dục). Theo Đức Anh, chất lượng giáo dục gắn liền với khung chương trình chất lượng, tuy nhiên, ở Việt Nam, Khung chương trình chưa nhận được được sự quan tâm đúng mực. Khung đánh giá khung chương trình do Đức Anh và nhóm của mình xây dựng đánh giá khung chương trình dựa trên 4 trụ cột, 15 tiêu chuẩn và 66 tiêu chí. Nhóm đã thực hiện một cuộc đánh giá khảo sát trên 14 trường tư thục ở Việt Nam đủ điều kiện đánh giá và đưa ra kết quả khá thấp trong đánh giá chất lượng khung chương trình của các trường. Việc xây dựng bộ khung đánh giá của nhóm Đức Anh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững về chất lượng giáo dục, với mục đích thúc đẩy năng lực, kỹ năng học tập suốt đời của mỗi người. Khung đánh giá là công cụ để xây dựng hệ đánh giá giúp các địa phương có phương án xây dựng khung chương trình bền vững hơn.
 Các trí thức trẻ tại phiên thảo luận
 Dự án tạo quỹ học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo tại Việt Nam
Đến với Diễn đàn, Hoàng Hà Thi (Tiến sĩ y khoa, Đại học Harvard, Mỹ) và Võ Kim Thảo (CEO DDC Education) mang đến Diễn đàn Dự án học bổng kết nối du học sinh Việt Nam toàn cầu “Việt Nam quê hương tôi”.  Đây là một sáng kiến được triển khai thành dự án nhân ái kết nối các du học sinh Việt Nam trên toàn cầu đóng góp tạo quỹ học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo học giỏi tại Việt Nam được tiếp tục đến trường.
 
Theo Hà Thi, mỗi năm tại Việt Nam có hằng trăm nghìn học sinh nghèo không đủ điều kiện đến trường, trong đó, nhiều em có đam mê học tập và năng lực cũng phải nghỉ học giữa chừng. Đây chính là nguồn nhân lực tốt cần nhận được sự giúp đỡ, bồi dưỡng, tạo điều kiện để phát huy tiềm năng.
 
Dự án của Hà Thi và Kim Thảo sẽ giúp kết nối và hình thành mạng lưới người Việt khắp thế giới với tinh thần hướng về quê hương nguồn cội. Chỉ tính riêng số lượng du học sinh Việt Nam tham gia dự án (130 nghìn người, theo thống kê năm 2016). Mỗi du học sinh chỉ cần trích 1 EUR mỗi ngày - 30 EUR mỗi tháng – 360 EUR mỗi năm (tương đương 9 triệu đồng) sẽ đủ học phí cho 1 học sinh tại Việt Nam. Và chỉ cần 1% du học sinh tham gia Dự án, sẽ có 1300 học sinh tại Việt Nam được đến trường.

Mô hình gây quỹ cộng đồng với phương châm “đóng góp nhỏ mỗi người – tạo sức mạnh lớn” sẽ trao cơ hội và động lực vươn lên cho các em học sinh yếu thế trong xã hội. Truyền cảm hứng về một xã hội chia sẻ và lan toả yêu thương. 
 
Hướng nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút, gìn giữ nhân tài
 Nguyễn Thị Sao Ly (Nghiên cứu sinh đại học Jonh Hopkins, Mỹ) giới thiệu mô hình SARE cho chương trình THPT tại Việt Nam. Đây là mô hình đã được ứng dụng thành công tại TP Baltimore của Mỹ. SARE kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức và nhà hảo tâm, đồng thời, mang đến cho học sinh sự hỗ trợ học tập chất lượng cao. Từ nguồn kinh phí tài trợ, SARE lên kế hoạch tổ chức chương trình, chọn ra các em học sinh tham gia. Tại các đơn vị đào tạo, các em sẽ được thực hành các môn khoa học, được dạy bởi những người có chuyên môn và trực tiếp thực hành. Thông qua chương trình, các em học sinh sẽ nhận được kiến thức về môn khoa học, ngành nghề mà mình quan tâm, được đào tạo kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng thực hành. Từ đó, các em sẽ có được định hướng cụ thể cho sự phát triển bản thân trong tương lai.
 Trương Thị Thuỳ Trang (CEO tổ chức Giáo dục Gap Direction International) tham gia tham luận về chính hoạt động kinh doanh của bản thân, mô hình giáo dục GAP – YEAR (năm khoảng cách để các bạn học sinh tham gia các hoạt động cộng đồng, du lịch, trải nghiệm văn hoá để bổ sung kinh nghiệm sống). Theo Thuỳ Trang, kỹ năng đang được đánh giá quan trọng nhất bởi các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức trên toàn thế giới không phải nằm ở kiến thức hàn lâm được học trong nhà trường mà là 6 yếu tố: Khả năng sẵn sàng linh hoạt, thay đổi và hội nhập nhanh; kỹ năng quản lý quỹ thời gian và sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công việc; khả năng làm việc hiệu quả trong đội nhóm; kỹ năng phân tích & nắm bắt cơ hội kinh doanh; khả năng đổi mới sáng tạo trong công việc; Đạo đức nghề nghiệp & tính chính trực. Ngoài ra, ngoại ngữ luôn giữ tầm quan trọng. Các ý nghĩa thành công mà Gap Direction quan tâm là: hạnh phúc, đam mê học tập / công việc / cuộc sống, tình trạng tài chính, kỹ năng, lòng tự tin, nhận thức về các thử thách chung của toàn nhân loại sau khi trải nghiệm Gap-year. Với những giải pháp của Gap Direction đưa ra trong bối cảnh Việt Nam. Thuỳ Trang tin rằng Gap Direction sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp và tổ chức trong nước.
 
Thạc sĩ Hoàng Thị Kim Khuyên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghê Việt Nam) mang đến phiên thảo luận vấn đề về phát triển mô hình học tập trải nghiệm sáng tạo có định hướng nghiên cứu KH&CN trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Đây là xu hướng giáo dục tăng cường thực hành và trải nghiệm cho học sinh. Dự án đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghê Việt Nam đã mang đến và triển khai các hoạt động tại các trường, cơ sở giáo dục, câu lạc bộ. Kim Khuyên đề xuất các ngành chức năng cùng phôí hợp triển khai chương trình để gom tụ được các bên liên quan, hoàn thiện chương trình.
 
 Trần Lê Hưng (Nghiên cứu sinh tại Pháp) trình bày về cách thức và điều kiện thu hút và gìn giữ nhân tài ở Việt Nam. Theo Hưng, cần xác định lại định nghĩa Trí thức là ai? Trí thức không chỉ là những nhà khoa học, những người có trình độ học vấn cao, mà trí thức còn là người có tay nghề cao ở mọi lĩnh vực. Họ cần môi trường ứng dụng thực tế nghề nghiệp, chất lượng và môi trường làm việc. Điều đáng chí ý là theo khảo sát của Hưng, lương không phải là yếu tố quan trọng nhất để thu hút nhân tài trở về và cống hiến lâu dài cho đất nước.