Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai đồng bộ giải pháp hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị

Bảo Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND, triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại" giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, ngoài quán triệt nội dung Chương trình đến các tổ chức, Nhân dân, đơn vị, TP cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ, mục tiêu cần làm trong năm 2016 và các năm tiếp theo.
Nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Ảnh: Chiến Công
Nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Ảnh: Chiến Công
Về phát triển kết cấu GTVT, TP phối hợp với Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Ngã Tư Sở - Hà Đông) để đưa vào khai thác sử dụng năm 2017; GPMB các dự án do Bộ GTVT đang triển khai trên địa bàn TP: Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2, cầu Ba Vì - Việt Trì; khởi công trong năm 2016 dự án đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; chuẩn bị đầu tư các dự án xây dựng đường cao tốc, vành đai, đường sắt đô thị còn lại để thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó, rà soát và quy hoạch các bến, bãi đỗ xe trên địa bàn TP để xác định cụ thể danh mục đầu tư và kêu gọi đầu tư. Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công 4 công trình trọng điểm cấp bách giảm ùn tắc giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đặc thù xây dựng. Hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2016 các dự án: Cầu vượt nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; cầu vượt nút giao Cổ Linh; hợp phần BRT và hợp phần đường Vành đai 2 thuộc dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội; đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở); đường nối từ Đại lộ Thăng Long kéo dài đến QL21, huyện Thạch Thất. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT. Hoàn thiện các thủ tục thông qua đề xuất dự án đối với các dự án công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng giao thông khung thực hiện theo hình thức PPP làm cơ sở kêu gọi đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện sau năm 2016.

Xung quanh vấn đề nước sạch, cùng với rà soát, hiệu chỉnh quy hoạch cấp nước, TP tiếp tục hoàn thiện chuẩn bị đầu tư các dự án: Nhà máy nước sông Đà II, sông Hồng, sông Đuống; phát triển hệ thống truyền dẫn và phân phối cho các khu vực còn thiếu mạng lưới cấp nước. Liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải, tập trung thi công hoàn thành giai đoạn 2 - dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội; tiếp tục triển khai Nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom Yên Xá. Nghiên cứu, triển khai dự án thoát nước lưu vực sông Nhuệ; hệ thống thoát nước khu vực quận Long Biên, Hà Đông và một số khu đô thị mới bị úng ngập; Nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom Phú Đô, Tây Hồ Tây... Trong Kế hoạch này, TP cũng chỉ đạo quyết liệt triển khai các dự án, chương trình đầu tư cho hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh, hồ nước; hệ thống chiếu sáng đô thị; thu gom và xử lý chất thải rắn; hệ thống nghĩa trang tập trung của TP; thông tin, viễn thông; điện lực; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quản lý trật tự xây dựng; quản lý đất đai; môi trường; xây dựng đô thị văn minh hiện đại… Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành và chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành, kế hoạch, đề án, dự án trong năm 2016. Xây dựng và ban hành quy định về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP; về một số cơ chế, chính sách cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ. TP cũng giao các cấp ủy và các cơ quan, đơn vị tổ chức xây dựng kế hoạch chi tiết của đơn vị mình để triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra.