Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Đỗ Xuân Lân cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện Luật PBGDPL đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Thể chế, chính sách về PBGDPL được hoàn thiện; công tác PBGDPL đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong toàn xã hội; nội dung, hình thức được đổi mới, đa dạng, phong phú hơn với nhiều mô hình, cách làm mới, thiết thực, hiệu quả; chất lượng, hiệu quả được nâng lên; bám sát hơn với công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật... Các nguồn lực bảo đảm cho công tác PBGDPL được quan tâm hơn, nhất là từ nguồn bảo đảm triển khai thực hiện các chương trình, đề án về PBGDPL và triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, quy định, chính sách mới; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội
Tuy nhiên, tồn tại là các chương trình, đề án về PBGDPL rất nhiều dẫn đến trùng lắp trong khi nguồn lực rất hạn chế. PBGDPL được lồng ghép trong nhiều chương trình, đề án nên bên cạnh những địa phương có cách làm hay, sáng tạo, nhiều địa phương do khối lượng công việc nhiều nên dẫn đến hình thức. Nội dung, hình thức PBGDPL còn theo lối mòn, việc phát hiện để nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới chưa kịp thời thường xuyên; vai trò của Hội đồng PBGDPL và tính chủ động của một số địa phương còn hạn chế.
Đặc biệt, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các chương trình, đề án về PBGDPL rất lớn nhưng thiếu nguồn lực và điều kiện bảo đảm thực hiện, nhất là đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thuộc diện ngân sách T.Ư phải hỗ trợ; quá trình triển khai thực hiện các chương trình, đề án tại một số bộ, ngành, đoàn thể, địa phương vẫn còn chậm hoặc không triển khai thực hiện được do không được bố trí ngân sách để thực hiện.
Nếu không có các chương trình, đề án về PBGDPL thì sẽ không có cơ sở để bố trí nguồn lực bảo đảm cho công tác này do quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã thực hiện việc phân cấp ngân sách triệt để và thực hiện việc cấp ngân sách theo định mức biên chế hàng năm của cơ quan, đơn vị.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ Tư pháp đang xây dựng Quyết định Ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, xác định 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần triển khai thực hiện. Đáng chú ý, dự kiến kinh phí thực hiện Chương trình từ NSNN theo phân cấp NSNN hiện hành và các nguồn huy động hợp pháp khác; chú trọng kết hợp hiệu quả giữa kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của từng ngành, từng địa phương. NSNN cấp cho việc triển khai thực hiện Chương trình và các đề án thuộc Chương trình theo phân cấp ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương. Ngân sách T.Ư hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện chỉ đạo điểm của các đề án; việc lập dự toán chi tiết hàng năm được thực hiện theo Luật NSNN trên cơ sở nội dung Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện chương trình, các đề án của chương trình thuộc nhiệm vụ của địa phương. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ngân sách T.Ư hỗ trợ kinh phí PBGDPL cho các địa phương này triển khai các nhiệm vụ của đề án.
Cơ quan chủ trì các đề án, các bộ, ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể và địa phương được huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để triển khai thực hiện Chương trình và các đề án của Chương trình theo quy định của pháp luật.