Theo đó, những trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và chuyên môn thú y. Chính quyền địa phương chỉ đạo, bố trí hố sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc. Tại các cửa khẩu biên giới, Bộ NN&PTNT yêu cầu cơ quan kiểm dịch động vật phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu tham mưu cho Ban quản lý cửa khẩu bố trí hố sát trùng và thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị chính quyền cấp xã tổ chức phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật… Việc phun khử trùng chỉ được thực hiện khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, rửa sạch. Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2017 kéo dài từ 22/2 đến hết 21/3/2017.
Theo kết quả giám sát lưu hành virus cúm gia cầm tại các chợ gia cầm sống của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), phối hợp với Tổ chức FAO thực hiện trong năm 2016 tại 32 tỉnh, TP cho thấy, tỷ lệ phát hiện virus trên gà đối với cúm A/H5N6 là 1,89% và A/H5N1 là 0,94%. Trên đàn vịt, đối với cúm A/H5N6 là 6,7% và A/H5N1 là 1,63%. Tỷ lệ phát hiện virus cúm trong các mẫu môi trường đối với cúm A/H5N6 là 2,97% và A/H5N1 là 2,07%. Đây chính là nguồn lây lan virus cúm thông qua các hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm. Ngoài ra, virus cúm A/H5N6 và A/H5N1 còn tồn lưu trong môi trường, đàn chim hoang, chim di trú cũng như việc nhập lậu gia cầm qua biên giới gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Do vậy, biện pháp ngăn chặn triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu và tiêu độc, khử trùng để chủ động tiêu diệt virus cúm gia cầm là những biện pháp ưu tiên hiện nay.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tháng 1/2017, Trung Quốc đã ghi nhận 109 trường hợp người bị nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9 và từ cuối tháng 2/2013 khi phát hiện trường hợp nhiễm đầu tiên đến nay đã có 1.174 người bị nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9, trong đó có 417 ca tử vong. Còn theo thông báo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), kết quả giám sát trong 1/2017 do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố, có 26 mẫu gia cầm và môi trường dương tính với virus cúm A/H7N9. Còn theo thông báo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong tháng 1/2017 đã xảy ra nhiều ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao như A/H5N2, A/H5N8 và A/H5N6 tại Trung Quốc. Như vậy, nguy cơ lây nhiễm chủng virus cúm gia cầm độc lực cao H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm khác vào Việt Nam là rất cao.
Về diễn biến dịch cúm gia cầm trong nước, theo tin từ Cục Thú y, sau hai tỉnh Bạc Liêu và Quảng Ngãi, thêm 2 ổ dịch cúm gia cầm tiếp tục xuất hiện tại tỉnh Nam Định. Cụ thể, ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra ở 4 hộ chăn nuôi của 2 xã Trực Nội và Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định làm 4.645 con gà, vịt mắc bệnh. Trước diễn biến của dịch, UBND huyện Trực Ninh đã ban hành Quyết định số 248/QĐ-UBND công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn xã Trực Nội và Trực Thuận. Như vậy, đến ngày 21/2, cả nước có 3 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại Nam Định, Bạc Liêu và 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại Quảng Ngãi.