Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, các bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đề án; kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm từ Trung ương đến địa phương; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các tình huống cơ bản; đầu tư xây dựng cơ bản; sản xuất, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng bảo đảm hoạt động thường xuyên cho các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm; sản xuất, mua sắm trang thiết bị thiết yếu, thông dụng đưa vào dự trữ tại các khu vực bảo đảm sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn hiệu quả. Cụ thể, từ năm 2015 - 2020, Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các Đội hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai; các đơn vị kiêm nhiệm tìm kiếm cứu nạn, cứu sập đổ công trình; các Trạm phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn: Cô Tô (Quảng Ninh), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thổ Chu (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau), Song Tử Tây (Khánh Hòa). Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2016, các đơn vị liên quan sẽ xây dựng Kế hoạch ứng phó cấp quốc gia về: tai nạn tàu, thuyền trên biển; sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; Sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng, hầm lò khai thác khoáng sản; Sự cố rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân và tán phát hóa chất độc hại; Sự cố động đất, sóng thần; Tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng; tai nạn máy bay xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; sự cố vỡ đê, hồ, đập... Từ năm 2019 - 2020, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn sẽ chủ trì xây dựng Đề án Hệ thống cơ cấu tổ chức Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương đến năm 2030 và những năm tiếp theo trình Chính phủ phê duyệt...