Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển lãm ô tô Geneva 2011: Trong mừng có lo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có thể miêu tả tâm trạng của các nhà sản xuất ôtô tham gia Geneva Motor Show năm nay là tự tin trong lo lắng. Doanh số trên toàn thế giới đang tăng, các thị trường mới nổi bùng nổ, và nhiều mẫu xe mới ra mắt. Ngay cả GM cũng đã lãi trở lại...

KTĐT - Có thể miêu tả tâm trạng của các nhà sản xuất ôtô tham gia Geneva Motor Show năm nay là tự tin trong lo lắng. Doanh số trên toàn thế giới đang tăng, các thị trường mới nổi bùng nổ, và nhiều mẫu xe mới ra mắt. Ngay cả GM cũng đã lãi trở lại...
 
Triển lãm ô tô Geneva năm nay có sự tham gia của khoảng 260 doanh nghiệp. 

“Có thể thấy không khí đã khá hơn mấy năm trước nhiều,” CEO Luca di Montezemolo của Ferrari nói. “Tôi đã không nghĩ sự hồi phục sẽ đến nhanh như vậy.”

Giá nhiên liệu tăng cao đã khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang các mẫu xe nhỏ, giá rẻ. Khu vực Trung Đông đang bất ổn, trong khi sự hồi phục kinh tế ở Mỹ và châu Âu vẫn chỉ rải rác.

“Nhiều nền kinh tế vẫn cần dùng đến các liệu pháp  kích thích tăng trưởng,” ông Norbert Reithofer, CEO của BMW, hàm ý các chương trình kích cầu. “Sẽ rất thú vị khi xem chuyện gì xảy ra khi bỏ các liệu pháp này.”

Ngay cả nếu tình hình kinh tế chung tiếp tục diễn biến tích cực thì lãnh đạo các nhà sản xuất ô tô sẽ vẫn phải chuẩn bị tinh thần cho những biến động và sự sụt giảm doanh số. “Chúng tôi phải chuẩn bị đón nhận nhiều biến động,” ông Reithofer nói.

Sự bất ổn kinh tế đặc biệt nguy hại cho các nhà sản xuất ô tô, khi mà họ phải mạo hiểm đầu tư hàng tỷ USD để phát triển các mẫu xe mới và trang bị máy móc nhà xưởng nhiều năm trước khi sản phẩm có mặt trên thị trường. Một dự đoán sai có thể gây thiệt hại nghiêm trọng. Ví dụ như khi giá nhiên liệu tăng vọt, lãnh đạo Daimler đã nhận định rằng khách hàng Mỹ sẽ sẵn sàng mua các mẫu xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu. Họ bắt đầu đưa mẫu Smart ForTwo sang tiêu thụ tại Mỹ. Ban đầu, doanh số rất khả quan, nhưng lập tức sụt giảm khi giá nhiên liệu giảm. “Mọi người đều tin rằng đã hết thời của những chiếc xe bán tải và kiểu xe như Fiat 500 sẽ là tương lai,” ông Dieter Zetsche, CEO của Daimler, nói. “Một năm sau, thị trường trở lại như thời trước khủng hoảng.”

Giờ đây, lãnh đạo Daimler đang chuẩn bị cho khả năng khách hàng ở các khu vực thị trường như châu Âu sẽ mua xe Mercedes động cơ dung tích nhỏ - loại xe tiêu thụ ít nhiên liệu hơn và cũng đem về ít lợi nhuận hơn cho nhà sản xuất.

Các nhà sản xuất đang đầu tư nghiên cứu các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu mới, và hầu hết tập trung vào lĩnh vực ô tô chạy điện. Riêng Renault và Nissan đã đi trước một bước, đã có sản phẩm tung ra thị trường. Hai công ty này đã giới thiệu một loạt xe chạy điện tại Geneva, trong đó có Nissan Leaf và Renault  Twizy.

Các nhà sản xuất ô tô đang chia sẻ chi phí phát triển một số công nghệ mới để giảm thiểu rủi ro và đạt được tính hiệu quả kinh tế trên quy mô. Daimler hợp tác với Renault và Nissan, còn BMW và PSA Peugeot Citroën cũng vừa công bố thành lập liên doanh sản xuất linh kiện, phụ tùng cho xe hybrid.

Một mối nguy khác là ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Các nhà sản xuất đang bám sát diễn biến thị trường để tránh bị thiệt hại bởi sự sụt giảm doanh số đột ngột ở đây.

Audi, thương hiệu xe sang thuộc tập đoàn Volkswagen, tiến hành đánh giá chi tiết thị trường Trung Quốc 6 tháng/lần, theo tiết lộ của ông Peter Schwarzenbauer, một thành viên ban lãnh đạo công ty. “Với thị trường Trung Quốc, bạn phải có tầm nhìn dài hạn,” ông cho biết. “Chúng tôi không tin rằng nó sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 30-40%/năm. Tốc độ khoảng 10% thì thực tế hơn.”

Lãnh đạo các hãng ô tô tham gia Geneva 2011 không quá bi quan vào tương lai. Ngược lại, họ thể hiện sự lạc quan, với việc ra mắt nhiều mẫu xe mới, từ bản thể thao hai cửa của dòng Mercedes C-Class cho tới những siêu xe như Ferrari FF - mẫu xe dẫn động 4 bánh đầu tiên của hãng.

Ferrari đã quảng bá mẫu xe mới này bằng một video giới thiệu xe băng qua tuyết, đi xuyên sa mạc, ý nhắm đến những thị trường mới nổi thịnh vượng như Nga và Brazil, nơi điều kiện đường sá không phải lúc nào cũng phù hợp với thiết kế gầm thấp của siêu xe Ý.

Nhưng với sự bất ổn ở Trung Đông, những thị trường này vẫn kém ổn định hơn các thị trường truyền thống như châu Âu hay Mỹ, thì việc đẩy mạnh hoạt động ở đây có thể làm gia tăng sự bất ổn doanh số.

Ông Montezemolo tỏ ra lo ngại với khu vực thị trường Trung Đông, mặc dù nó hiện chiếm một tỷ lệ lớn trong doanh số của Ferrari. Mặc dù tình trạng bất ổn chưa tác động tới các nước như Ảrập Saudi Arabia, nơi có rất đông khách hàng của Ferrari, thì ông di Montezemolo vẫn cho rằng sự bất ổn chính trị có thể tác động đến tâm lý.

“Với những gì đang diễn ra ở đó, mọi người có thể chẳng còn tâm trạng mà mua,” ông nói.

Trong khi đó, ông Joachim Schmidt, giám đốc bán hàng và marketing của Daimler, chỉ ra rằng doanh số năm ngoái cao tới mức công ty còn rơi vào tình trạng thiếu linh kiện, phụ tùng. Năm nay, Daimler kỳ vọng doanh số sẽ đạt đỉnh của thời trước khủng hoảng.

Nhưng ông Schmidt cũng nói thêm rằng, “Đi qua cuộc khủng hoảng này, chúng tôi phải thận trọng. Chúng tôi phải bám sát diễn biến thị trường từng tháng một.”