Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển lãm sắp đặt: Chưa hết khoảng cách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời gian gần đây, ngày càng nhiều triển lãm sắp đặt trình diện trước công chúng như một hướng đi mới của lớp nghệ sĩ đương đại. Thế nhưng trong cái "cảm" và trong sự thừa nhận của công chúng vẫn tồn tại một khoảng cách rất lớn về loại hình nghệ thuật này.

Giải thích vẫn không hiểu

"Điểm danh" các triển lãm sắp đặt trong thời gian gần đây có thể thấy: "Rồng rắn lên mây" của ba nghệ sĩ trẻ Lê Huy Hoàng, Lê Quang Thân và Vũ Hoàng Vũ (từ 6 đến 9/9) và "Chân dung cuộc sống" của họa sĩ Trần Đức Quỷ (từ 10 đến 20/9) tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội); cuộc trưng bày sắp đặt và điêu khắc "Vệ nữ ở Việt Nam" của cố nghệ sĩ Vũ Dân Tân và những tác phẩm mới sáng tác của nghệ sĩ Nguyễn Nghĩa Cương (từ 4 đến 14/10) tại Viện Goethe Hà Nội (56 - 58 Nguyễn Thái Học)… Rồi 10/11 tới đây, triển lãm "Bố Hạo" của họa sĩ, nhà viết kịch bản phim hoạt hình Lê Hiền Minh sẽ khai màn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Một triển lãm sắp đặt khác được cho là sẽ thu hút được dư luận trong thời gian tới là "Bức tường xương" của Lê Huy Hoàng, diễn ra từ 14/12/2012 đến 7/1/2013 tại Viện Goethe Hà Nội.
 
 
Triển lãm sắp đặt: Chưa hết khoảng cách - Ảnh 1
Hình ảnh tại triển lãm sắp đặt Rồng rắn lên mây.
 

Có thể nói, các sắp đặt nối đuôi nhau xếp hàng tại các phòng triển lãm Hà Nội phản ánh sự phát triển năng động của loại hình nghệ thuật mới mẻ này. Theo số liệu thống kê của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, từ đầu năm đến nay có khoảng 40 triển lãm sắp đặt được tổ chức trên địa bàn cả nước.

Nhiều triển lãm là vậy, nhưng đây vẫn là bộ môn khó "cảm", khó gần với công chúng. Điển hình như lời chia sẻ của bà Lê Thị Như (phường Hàng Mã) tại triển lãm "Chân dung cuộc sống": "Tôi không hiểu hình ảnh 500 con vịt quay ngang, quay dọc đủ các tư thế sắp xếp một cách hỗn độn mang ý nghĩa gì.

Đến khi tác giả giải thích: Đàn vịt phản ánh một khía cạnh nào đó của xã hội, của một lớp người trong xã hội: Hoang mang, lạc lối, không có bản sắc và luôn đi theo số đông.

Tôi vẫn không hiểu". Cái sự "không hiểu" là cảm nhận chung của nhiều người khi đặt chân đến các triển lãm sắp đặt. Đến cả người trong giới làm nghệ thuật - nghệ sĩ nhiếp ảnh Hùng Cường, còn nhận định: "Ý tưởng của tác giả có thể hay, nhưng các triển lãm sắp đặt tôi từng xem hầu hết chưa làm bật được ý nên phải giải thích mới có thể hiểu.

Thậm chí, giải thích rồi nhiều người vẫn hiểu một cách lơ mơ, khiên cưỡng. Đã có nhiều nghệ sĩ chọn cách đan xen giữa triển lãm tranh, ảnh và sắp đặt, tôi thấy hiệu ứng tốt hơn".

Cần được đào tạo và thi đấu

Nhìn vào khoảng cách giữa nghệ thuật sắp đặt và công chúng, có người bàn đến trình độ thưởng thức nghệ thuật của người dân. Nhưng xét cho cùng, nghệ thuật luôn đi tìm và hướng đến số đông khán giả, nên việc làm cho công chúng hiểu được dụng ý phải từ nghệ sĩ.

Nói như PGS.TS. Lê Bá Dũng: "Nghệ thuật sắp đặt của các họa sĩ Việt Nam bắt đầu hoàn toàn từ cảm tính theo kiểu tự phát, sau đó dần dần được tự điều chỉnh cả về chất liệu, cách thức tổ chức. Nhiều triển lãm sắp đặt cuốn hút người đến xem chỉ vì sự hiếu kỳ.

Sự lần mò của cả người thực hành nghệ thuật lẫn người thưởng thức nghệ thuật dẫn đến tình trạng các tác phẩm lúc đầu đều chưa có sức thuyết phục, có tác phẩm còn hời hợt về cả nội dung và hình thức. Vì thế, cả tác giả và người thưởng thức đều miễn cưỡng gán cho tác phẩm một nội dung "mới" nào đó".

 Vấn đề mấu chốt là hầu hết các nghệ sĩ chưa được đào tạo một cách bài bản. Hơn nữa, họ chưa được cọ sát ở những "sàn đấu" quốc tế nên chưa có nhiều kinh nghiệm, cách thể hiện ý tưởng chưa tốt. Mặt khác, hầu hết ý tưởng của các nghệ sĩ đều mang tính cá nhân, nhiều triển lãm chỉ có ý nghĩa với một nhóm đối tượng rất nhỏ như triển lãm "Bố Hạo" của Lê Hiền Minh, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của cha.

Nhiều người đang tự hỏi, họ sẽ nhận được gì sau khi xem 1.000 vật thể bằng giấy, với tạo hình giống cuốn từ điển, nhưng rỗng ruột và không có chữ? Thế nên, không hiểu đã đành, khán giả còn thờ ơ vì triển lãm không mang lại lợi ích gì cho họ.

 Và một điều quan trọng không kém là nhiều người Việt Nam vẫn chưa chấp nhận mỹ thuật mà không phải là tranh, tượng; mỹ thuật mà lại có ngôn ngữ hình thể, điện ảnh xuất hiện trong đó. Để loại bỏ rào cản giữa nghệ thuật sắp đặt và công chúng, các nghệ sĩ đương đại nên sử dụng thủ pháp tác động trực tiếp đến cảm xúc của người xem. Ấn tượng mạnh mẽ thúc đẩy công chúng muốn tìm hiểu thêm về những tác phẩm mà mình đang nhìn ngắm, góp phần đem loại hình nghệ thuật còn mới mẻ này gần gũi với công chúng hơn.