Tuy nhiên các nỗ lực này dường như đã không mang lại một kết quả đáng kể nào, ít nhất là trên thực tế. Trong lúc Ngoại trưởng của 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 9/2 đang chuẩn bị cuộc gặp cấp cao về Ukraine sẽ diễn ra tại Minsk vào ngày 11/2 tới, khu vực miền Đông Ukraine lại rung chuyển bởi bom đạn. Hiện, lực lượng chính phủ Ukraine đang bị vây chặt ở Debaltsevo, không thể thoát ra hoặc nhận tiếp viện do hỏa lực pháo binh của tự vệ Donetsk. Điều trớ trêu là trong lúc bom vẫn nổ, đạn vẫn rơi ở miền Đông, các nhà lãnh đạo châu Âu, vốn là hậu phương vững chắc của Ukraine còn đang tranh cãi về kế hoạch hỗ trợ chính quyền nước này. Trong khi Anh và Ba Lan đề nghị thảo luận về khả năng chuyển giao vũ khí cho Ukraine thì Đức và Pháp lại kiên quyết phản đối, cho rằng đây là vấn đề không đáng được đưa ra thảo luận. Hiện chưa rõ, cuộc gặp của Thủ tướng Merkel và Tổng thống Obama sẽ đem lại kết quả ra sao, cuộc họp của Ngoại trưởng 28 nước EU sẽ đưa ra quyết định như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn là triển vọng giải quyết khủng hoảng Ukraine vẫn chưa sáng sủa. Hy vọng duy nhất mà cộng đồng quốc tế theo đuổi hiện nay là phương án tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine đang trở thành ưu tiên của tất cả các bên. EU và cả Mỹ dường như đã cảm nhận được hậu quả nghiêm trọng khi quyết định phát động một cuộc đối đầu với Nga do thiệt hại về kinh tế, do các bế tắc trong những hồ sơ nóng mang tính chiến lược hơn như chương trình hạt nhân của Iran hay cuộc chiến chống khủng bố.