Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển vọng lớn từ kết nối giao thương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 3 ngày diễn ra, sáng 11/10, Hội chợ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2015 đã chính thức khép lại với nhiều cái “bắt tay” giữa DN Thủ đô và các tỉnh, thành.

Qua đó, hình thành nhiều chuỗi liên kết, hợp tác nhằm sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho Thủ đô.

Điểm hẹn giao thương

Khác với những năm trước, ngay từ hôm khai mạc Hội chợ, hàng chục hợp đồng hợp tác giữa Sở NN&PTNT, các DN phân phối nông sản, thực phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành đã được ký kết. Điều này cho thấy, Hội chợ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội đã thực sự trở thành nhịp cầu giao thương quan trọng.

Bà Nguyễn Thị Xanh - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phúc Linh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cho biết, HTX chuyên sản xuất các loại cam, quýt, bưởi. Với sản lượng đạt 200 tấn/năm, việc tiêu thụ sản phẩm không hề đơn giản. Tuy nhiên, trong chuyến xuống Thủ đô tham dự hội chợ lần này, HTX Phúc Linh đã có được hợp đồng cung ứng sản phẩm cho một hệ thống siêu thị bán lẻ của Hà Nội.
Nông sản của các tỉnh, thành được giới thiệu tại Hội chợ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội 2015.                 Ảnh: THIÊN TÚ
Nông sản của các tỉnh, thành được giới thiệu tại Hội chợ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội 2015. Ảnh: THIÊN TÚ
Để có những thương vụ ký kết giữa các DN Hà Nội và các tỉnh là cả một quá trình bền bỉ làm công tác xúc tiến thương mại của Sở NN&PTNT Hà Nội, trực tiếp là Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp. Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm đã tổ chức hàng chục đoàn DN đi tìm hiểu thực tế và hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp tại các địa phương trên cả nước. Hiện, các DN tham gia chương trình hợp tác đã kết nối được trên 40 cơ sở sản xuất có sản phẩm tiêu biểu tại các tỉnh, thành với hơn 60 chủng loại sản phẩm đang dần được đưa về tiêu thụ qua các kênh phân phối của Hà Nội như bưởi Năm Roi, na dai Chi Lăng (Lạng Sơn), nhãn lồng Hưng Yên…

Có kế hoạch rõ ràng

Với dân số gần 10 triệu người, nhu cầu thực phẩm của Hà Nội là rất lớn, trong khi sản xuất tại chỗ mới chỉ đáp ứng được một phần. Việc Thủ đô trở thành nơi thu hút rất nhiều nguồn nông sản, thực phẩm từ các tỉnh đổ về đã mang đến nhiều lo ngại cho người tiêu dùng, bởi bên cạnh những thực phẩm có nguồn gốc, nhiều sản phẩm không rõ xuất xứ, có nguy cơ mất ATTP cũng bị trà trộn vào. Điều này đặt ra yêu cầu phải hợp tác bền chặt hơn nữa giữa Hà Nội và các địa phương để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Theo ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NN&PTNT Sơn La, cơ quan quản lý Nhà nước giữa hai đầu đến và đi của sản phẩm cần cung cấp thông tin chính thống về nhu cầu, số lượng, sản lượng các mặt hàng. Có như vậy, hoạt động kiểm soát mới đảm bảo hiệu quả.

Tham gia chương trình kết nối giao thương với ngành nông nghiệp Hà Nội lần này, nhiều tỉnh, thành cũng gợi ý, việc liên kết phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Theo đó, các địa phương phải tổ chức sản xuất đúng quy trình, đảm bảo chất lượng ATTP và cung cấp đủ số lượng thường xuyên theo các đơn hàng của Hà Nội. Chỉ có liên kết chặt chẽ như vậy mới thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với các tỉnh, thành. Trong đó, tăng cường thu thập thông tin về thị trường, tiềm năng hợp tác của các địa phương phục vụ cho công tác tư vấn dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất, từng bước xây dựng các chuỗi nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng mô hình minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm nông sản an toàn của Hà Nội và các địa phương.
Sáng 11/10, Hội chợ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2015 chính thức bế mạc. Trong khuôn khổ Hội chợ đã có 22 biên bản thỏa thuận, hợp đồng hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp được ký kết, trong đó có 1 hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, 8 hợp đồng trong lĩnh vực cung ứng vật tư đầu vào và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, 12 hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tổng giá trị các hợp đồng kinh tế mua bán, cung ứng, chuyển giao, liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm đạt 172 tỷ đồng và hợp đồng trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư đạt khoảng trên 600 tỷ đồng.