Ngày 12/6, UBND huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Tổng kết mô hình trồng cây mắc ca và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca tại huyện Sơn Tây”.
Trước đó, năm 2014, chính quyền huyện Sơn Tây quyết định đầu tư ngân sách để trồng cây mắc ca, loài cây được ví là “nữ hoàng quả khô” với diện tích 6ha, gồm 3 xã Sơn Bua, Sơn Liên và Sơn Long. Cây mắc ca được trồng theo hình thức tập trung, liên canh theo vùng đất được lựa chọn, số hộ tham gia từ 2 hộ/xã. Số lượng cây trồng cho 1ha là 312.
Sau 5 năm thực hiện trồng khảo nghiệm cây mắc ca tại huyện miền núi Sơn Tây cho thấy, cây sinh trưởng và phát triển tốt, đất đai và khí hậu phù hợp. Cây mắc ca ở Sơn Tây ra 2 đợt hoa trong năm, khoảng 80 - 95% cây ra hoa đều đậu quả và chọn được 2 dòng thích nghi cho ra hoa và tỷ lệ đậu quả cao.
Trong quá trình trồng thực nghiệm, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng như UBND huyện Sơn Tây đã có những phân tích về thị trường tiêu thụ, mắc ca có thị trường tiêu thụ toàn cầu, số lượng mắc ca cả thế giới hiện nay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chỉ đạt 25%, vì vậy việc xuất khẩu không phụ thuộc thị trường Trung Quốc, giá trị dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu cuộc sống, có lợi cho sức khỏe.
Các vườn mắc ca ở Sơn Tây đã ra hoa đậu quả, tương đương với mắc ca trồng ở vùng Tây Nguyên. Hiện nay, người dân đã bỏ vốn để trồng 6ha và được huyện cử cán bộ kỹ thuật theo dõi giúp đỡ.
Về lâu dài, cây mắc ca tồn tại và phát triển trên địa bàn huyện Sơn Tây đồng thời với việc nâng độ che phủ của rừng một cách bền vững, vì cây mắc ca là cây thân gỗ, tuổi thọ kéo dài từ 60 - 80 năm. Nếu cây mắc ca được trồng ổn định tạo vùng nguyên liệu, đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ được điều kiện sinh thái khu vực, môi trường tốt hơn.