Ở trong nước, các thách thức đó là rủi ro về thiên tai, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta. Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của năm 2017, cơ bản Việt Nam vẫn dựa vào các lợi thế vốn có như chi phí lao động giá rẻ. Trong các động cơ tăng trưởng của Việt Nam (kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, và đầu tư nước ngoài - FDI), chỉ có khu vực FDI “ăn nên làm ra”. Xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp. Năng suất lao động kém xa các nước trong khu vực. Nợ công, nợ xấu còn tiềm ẩn rủi ro…
Ở ngoài nước, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường hơn, xu hướng bảo hộ và đưa sản xuất về trong nước của một số nước phát triển đang diễn ra sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu còn 0% từ 2018 với nhiều hiệp ước thương mại đòi hỏi DN trong nước phải có bước chuẩn bị để cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ hơn nếu không muốn mất thị phần.Tất nhiên, đó còn là thách thức từ làn sóng bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vốn mang tới cuộc chiến khốc liệt về công nghệ thông tin, tự động hóa với hàm lượng tri thức rất lớn mà phần lớn các DN nội địa vẫn còn thờ ơ, chưa chạm đến. Tuy nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dư địa để tăng trưởng kinh tế năm 2018 không hề nhỏ, đó là hệ thống chính trị, tài chính tiền tệ tương đối ổn định, nhân khẩu trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng như sự phát triển mau chóng của thị trường tiêu dùng nội địa. Trong năm 2018, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sẽ phát triển ngành sản xuất, các lĩnh vực chủ yếu đang phục hồi mạnh… Vấn đề là cần có các quyết định, chính sách thích hợp.Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở không chủ quan thỏa mãn, không say sưa với chiến thắng và không ngủ quên trong vòng nguyệt quế. Lần lượt cả World Bank và ADB đều khuyến cáo Việt Nam nên tăng cường khả năng dự báo, hướng đến các vùng đệm trong chính sách, thể chế, tài chính để có thể chống chịu được những rủi ro mới.Và ngay từ đầu năm, Thủ tướng kêu gọi các địa phương xắn tay vào quyết liệt tăng tốc. Đi liền với số lượng thì chất lượng tăng trưởng cũng phải được nâng lên, dài hạn tăng trưởng ấy phải dựa vào tăng năng suất và là sự sáng tạo, công nghệ, các chỉ số môi trường đầu tư, cải cách phải cải thiện rõ rệt hơn. Thủ tướng yêu cầu phải có chuyển biến mạnh mẽ của từng ngành, từng địa phương, từng DN, kể cả sản phẩm quốc gia.Tăng trưởng kinh tế 2017 vừa là động lực nhưng cũng là áp lực cho năm 2018. Bước đi của năm 2018 cần nhanh hơn, bởi vì Việt Nam bắt buộc phải phát triển so với chính mình và đuổi theo tốc độ của các nước trong khu vực và thế giới, nếu không muốn tụt hậu.Hành trình một năm mới của nền kinh tế đang mở ra. Tuy đạt được nhiều thành tích quan trọng, nhưng tất cả mới chỉ là sự khởi đầu, tất cả những thách thức, những mục tiêu, mong muốn đang còn ở phía trước, đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa với một tâm thế, một tư duy và một tầm nhìn mới.