Đúng 10/3 âm lịch, hàng triệu người dân Việt cùng thắp hương, thể hiện niềm tin tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được thế giới vinh danh.
Nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng được tổ chức trong những ngày diễn ra Lễ hội đền Hùng - Giổ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Thanh Tùng
Nô nức hướng về đất Tổ
Dù là năm giỗ lẻ, nhưng hòa chung niềm vui Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, hàng triệu người Việt đã tụ hội, xếp thành dòng người hướng về phía núi Nghĩa Lĩnh, thắp hương trước Quốc Tổ Quốc Mẫu Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Có mặt tại cổng chính trong trang phục truyền thống dân tộc Dao đỏ, ông Lý Kim Siểu, xã Dền Sáng, Bát Xát (Lào Cai) cho biết: "Lần đầu tôi về thăm đền Hùng là tháng 6/2012. Năm nay tôi đưa vợ về thắp hương tưởng niệm các vua Hùng…". Lần đầu đến đền Hùng, vợ ông Siểu vừa ngỡ ngàng, vừa xúc động trước vẻ trang nghiêm nơi nguồn cội - nơi trước đây bà được nghe kể qua những truyền thuyết và chiêm ngưỡng qua truyền hình. Mùa lễ hội năm nay, đồng bào dân tộc Mường, Thái và các dân tộc thiểu số khác cũng về tụ hội. Với bà Bùi Thị Minh, dân tộc Mường ở xóm Chóc, xã Mỹ Thuận, Tân Sơn, Phú Thọ thì về đền Hùng để tự hào với tiếng đâm đuống quen thuộc của dân tộc mình được biểu diễn nơi lễ hội.
Có về núi Nghĩa Lĩnh những ngày Giỗ Tổ năm nay mới thấy, niềm hân hoan tự hào về niềm tin cội nguồn của người Việt. Cho dù buổi lễ đón nhận Bằng công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra trong tiết trời khá lạnh, nhưng hơn 5.000 người con đất Việt vẫn không quản ngại đường sá xa xôi về "nêm" chặt khu trung tâm của lễ hội, đón nhận giây phút thiêng liêng. 7 ngày chính hội, các ngả đường dẫn về đền Hùng cũng nườm nượp dòng xe...
Tục thờ vua Hùng độc đáo
Tục thờ vua Hùng không chỉ hiển hiện trong khuôn viên 32ha của Khu di tích lịch sử đền Hùng mà có ở rất nhiều nơi. Cách trung tâm lễ hội gần 10km, dọc theo đê sông Lô, về ngôi đình Hùng Lô cổ nhất vùng Bắc Bộ, mới thấy tục thờ vua Hùng độc đáo của người dân nơi đây. Ông Nguyễn Sỹ Long, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hùng Lô cho hay: "Vào ngày 12/9 âm lịch, đình tổ chức tế lễ ngày các vua Hùng hóa thánh, để cầu công việc, sức khỏe cho nhân dân trong xã. Dấu mốc ngày tế lễ này được thực hiện theo truyền thuyết: Một hôm, vua Hùng đi qua Hùng Lô thấy khí thiêng phát lên từ một ngôi mộ cổ, nhìn về phía núi Nghĩa Lĩnh, cho rằng vùng đất lành nên đã đặt lư hương lên mộ. Sau dân làng dựng miếu thờ".
Lễ rước kiệu tại Lễ hội đền Hùng 2013.Ảnh: Thanh Tùng
Đình Hùng Lô còn lưu giữ nhiều cổ vật thể hiện niềm tin với tín ngưỡng qua nhiều thời kỳ. Bên phải và trái của gian thờ chính có gươm, đao tựa ý như linh vật mà vua Hùng trao lại để người dân có ý thức giữ nước chống giặc xâm lăng. Tại đình còn lưu giữ 2 chiếc kiệu bát cống, kiệu văn gần 400 năm và tấm biển thưởng giành được trong cuộc thi rước kiệu cách đây hơn 90 năm. Những năm gần đây, đoàn rước kiệu của Hùng Lô luôn được chọn là đoàn điểm rước kiệu, dâng lễ vật lên các vua Hùng vào đúng ngày chính giỗ 10/3.
Năm nay, lần đầu tiên nghi lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng cùng được thực hiện tại hơn 1.417 di tích thờ vua Hùng và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương. Cho dù, ở những điểm di tích như đình Cả (xã Vũ Lao, Thanh Ba, Phú Thọ), đình Ba Khe (xã Lương Sơn, Tân Lập, Phú Thọ), hay các đền thờ vọng ở TP Hồ Chí Minh, đền thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ ở Vũng Tàu... không vang tiếng chiêng cùng lời văn tế trang nghiêm như ở đền Hùng, nhưng người dân vẫn thực hành tín ngưỡng theo cách riêng của mình với lòng thành kính tri ân tiên tổ.
Giữ niềm tin tín ngưỡng
Sau khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ VHTT&DL cùng UBND tỉnh Phú Thọ đã đưa ra hơn 10 chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ, duy trì và giáo dục tín ngưỡng. Theo GS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, điều này xuất phát từ thực trạng: "Từ thời nhà Nguyễn, trọng tâm của nghi thức thờ cúng đã dồn hết về núi Nghĩa Lĩnh. Việc thờ cúng ở các làng xung quanh đó đã không được chú trọng. Chính điều này dẫn đến việc rất nhiều tục lệ thờ cúng vua Hùng có ý nghĩa bị bỏ qua, lãng quên".
Một trong những kế hoạch bảo vệ tín ngưỡng được tỉnh Phú Thọ dự kiến thực hiện là đưa giáo dục tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Chí Bền: "Việc giáo dục tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất khó đưa vào trường học. Chúng ta không thể bắt buộc thế hệ trẻ phải học, bởi vì đã có Pháp lệnh Tôn giáo và tín ngưỡng, trong đó quy định người dân hoàn toàn được tự do tín ngưỡng. Hơn nữa, bản chất của tín ngưỡng là câu chuyện của niềm tin, không thể giải thích bằng khoa học lý tính".
Với sức sống hàng ngàn năm của một truyền thống tốt đẹp, với dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ trường tồn và lan tỏa. Và thực tế đã chứng minh, vào những ngày tháng 3 âm lịch, kẻ xa, người gần, dù bận đến mấy cũng cố gắng thu xếp để hành hương về miền đất Tổ.