Ảnh minh họa
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, tiếp thu ý kiến hoàn thiện dự thảo Quy chế theo hướng: Đối tượng tham gia mua tạm trữ thóc, gạo là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thóc, gạo; trước mắt việc mua tạm trữ áp dụng đối với cả thóc và gạo, về lâu dài sẽ hướng tới mua tạm trữ thóc để tăng cường việc mua trực tiếp từ người nông dân.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chủ trì phân bổ chỉ tiêu, điều hành hoạt động mua tạm trữ thóc, gạo; quy định rõ cơ chế phối hợp giữa VFA và các địa phương trong việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo.
Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua tạm trữ thóc, gạo trong thời gian tối đa 3 tháng; trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo.
Sau khi hoàn thiện dự thảo Quy chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và giải trình tiếp thu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 8/2013.
Được biết, hiện nay, các doanh nghiệp đã mua trên 40% trong số 1 triệu tấn lúa gạo tạm trữ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Giá lúa tươi mua ngoài đồng thấp nhất cũng 4.300 đồng/kg, loại khá hơn 4.500-4.800 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg. Lúa chất lượng cao tăng 500-600 đồng/kg. Hiện gạo Đông Xuân giá khoảng 400 USD/tấn, tăng 25-30 USD/tấn; còn gạo Hè Thu giá 375-380 USD/tấn.