Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trịnh Tuấn và lối riêng cho “Tinh hoa chữ Việt”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/11, khóa học đầu tiên của dự án "Tinh hoa chữ Việt" mà nhà thư pháp Trịnh Tuấn gây dựng sẽ "khai màn".

Đây chính là "sản phẩm" tiếp theo sau bức thư pháp Truyện Kiều dài 300m (đã được công nhận kỷ lục Việt Nam) và cuốn sách thư pháp bằng gỗ nặng 300kg khắc họa 3 bản tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Trịnh Tuấn kỳ công thực hiện. Đây cũng chính là "lối đi riêng" mà anh ấp ủ để "truyền lửa" tình yêu thư pháp đến thế hệ trẻ.

  

Một khóa học kéo dài trong 3 tháng với 24 buổi học liệu có phải là "cưỡi ngựa xem hoa" đối với bộ môn thư pháp đầy kỳ công không, thưa anh?

 

- Tôi hiểu bạn định hỏi gì và chúng tôi cũng đã "định lượng" trước vấn đề này. Lớp học của chúng tôi chỉ "ôm" mục tiêu cung cấp những kiến thức cơ bản về thư pháp để học viên có thể sáng tác những tác phẩm vừa mang tính nghệ thuật, vừa thể hiện dấu ấn cá nhân, đem đến những hiểu biết chung về văn hóa dân tộc thông qua câu chuyện thư pháp, từ đó định hướng bản thân. Đây là cách đi riêng của tôi với hy vọng tiếp tục truyền lửa, nhân rộng tình yêu thư pháp cho thế hệ trẻ - một phần trong dự án "Tinh hoa chữ Việt" mà tôi ấp ủ lâu nay.
 Trịnh Tuấn và lối riêng cho “Tinh hoa chữ Việt” - Ảnh 1
Có phải anh đang cố gắng chứng minh chữ Quốc ngữ cũng có thể trở thành một loại hình thư pháp?

 

- Cái đó không cần phải chứng minh vì những ai biết thư pháp đều đã thừa nhận điều này. Thư pháp là cách viết chữ, cách viết chữ ấy được xây dựng trên một hệ thống lý luận và cho đến bây giờ thư pháp chữ quốc ngữ La-tinh đã dần được những người như chúng tôi hoàn tất hệ thống lý luận. Mặc dù nó còn rất trẻ so với nền thư pháp của nhân loại mấy ngàn năm, nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại.

 

Vì sao anh lại từ bỏ thư pháp truyền thống (chữ Hán) để đi theo thư pháp Quốc ngữ?

 

- Vì tính phổ biến và phổ quát của nó. Bây giờ mọi người Việt Nam từ 6 tuổi trở đi đều có thể đọc được. Khi đọc thông viết thạo, thì đó là kênh duy và lớn nhất để chúng ta nhanh chóng mở kho tàng của dân tộc. Bản thân chữ Hán rất quý, nhưng nếu học chữ Hán và thư pháp, phải bỏ ra ít nhất 10 năm. 10 năm ấy, có bạn chưa học xong, bạn đã bỏ giữa chừng. Nhưng thư pháp, Quốc ngữ, dù mới mẻ nhưng đem đến tình yêu thư pháp sớm nhất. Vì vậy sau chừng 3 tháng đến nửa năm, các học viên sẽ bước đầu nắm được, học được, viết được. Họ thể hiện được thì mới gieo vào họ được tình yêu, mới mở được cánh cửa hoặc đi vào vấn đề nào đó sâu xa hơn.

 

Nghĩa là vấn đề thời gian là ưu điểm của thư pháp Quốc ngữ?

 

- Vấn đề không là thời gian, mà là lòng tự tôn dân tộc. Bây giờ mình đọc một câu Hán Nôm, phải dịch 4 tầng nghĩa người khác mới hiểu được ý nghĩa mà ông cha ta nói. Tại sao không diễn nghĩa câu đó để người ta hiểu được cái tinh thần, hào khí của dân tộc ta? Bỏ qua những lớp áo thì tiếng của ta là tiếng Việt. Dù chữ Hán hay chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ đều là tiếng Việt.

 

Những ai sẽ đồng hành cùng Trịnh Tuấn trong dự án "Tinh hoa chữ Việt" để có thể truyền lửa tình yêu với thư pháp Quốc ngữ?

 

- Các lớp học do tôi và 2 người nữa trực tiếp giảng dạy. Song chính các sinh viên xuất sắc của lớp thư pháp thuộc hệ thống trường quốc tế Hà Nội VIP là động lực cho tôi tự tin bắt tay thực hiện dự án này. Chính các bạn ấy là những người đã chứng minh: Không có việc gì khó nếu như có một tình yêu thật với văn hóa dân tộc, với thư pháp. Các bạn ấy cũng sẽ đồng hành cùng tôi trong dự án này.

Xin cảm ơn anh!