Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trở ngại lớn nhất của phụ nữ là họ dễ bằng lòng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ không tiến bộ là bản thân họ chưa có tinh thần tiến thủ, dễ bằng lòng. Vì thế, nhiều người có năng lực nhưng không phát huy được bản thân.”

KTĐT - “Một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ không tiến bộ là bản thân họ chưa có tinh thần tiến thủ, dễ bằng lòng. Vì thế, nhiều người có năng lực nhưng không phát huy được bản thân.”

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã chia sẻ điều này tại Hội thảo "Bí quyết thành công của những phụ nữ Việt Nam thành đạt trong lĩnh vực giáo dục và hoạt động xã hội” vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Liên minh vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tổ chức.

Từng là trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Paris, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Bình có thể coi là một trong những phụ nữ Việt Nam thành đạt nhất. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, nguyên Phó chủ tịch nước cho rằng, để thành công, trước hết phải trang bị cho mình kiến thức văn hóa nền tảng, tiếp đó là trình độ nghề nghiệp chuyên môn và tinh thần cầu thị.

“Tuy nhiên, để đạt được điều này thì vấn đề quan trọng là tự bản thân mỗi người phải có ý chí phấn đấu. Là phụ nữ, ai cũng phải đảm nhiệm vai trò làm mẹ, nhưng phải cân bằng hài hòa,” bà Bình nói.

Nhớ lại quãng thời gian đương nhiệm của mình, bà Bình chia sẻ, khi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà chưa một ngày bước chân lên bục giảng một cách đúng nghĩa mà chỉ làm gia sư, dạy kèm. Trong khi đó, ngành giáo dục toàn những “cây đa cây đề” với rất nhiều giáo sư tên tuổi. “Tôi bảo, tôi sẽ lắng nghe ý kiến của các đồng chí, sau đó tôi sẽ quyết định,” bà Bình kể.

Có ý chí và không ngừng học hỏi cũng là lời khuyên của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Nguyên Phó Giám đốc bệnh viện C, Giám đốc Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình.

Từ một nữ y sĩ, bà trở thành một bác sĩ phẫu thuật có “bàn tay vàng”, và đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện C. Bà từng đi hơn 60 nước trên thế giới, dự nhiều hội thảo chuyên ngành quốc tế, thực hiện hàng loạt các dự án về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình với nhiều tổ chức trong và ngoài nước.

Giờ đây, ở tuổi 79, bà vẫn miệt mài làm việc vì “tôi về hưu nhưng tôi có chuyên môn, có sức khỏe, người bệnh vẫn cần thì tôi không thể ngồi chơi”.

Bí quyết thành công đầu tiên của bà là học tập, học không phải chỉ làm tiến sĩ mà học tập liên tục suốt đời. Thế nên, nhiều hội thảo quốc tế quan trọng của ngành mình, người ta không mời bà vẫn tự bỏ tiền đến dự vì “học hỏi là cần thiết”.

Với một tư duy rất hiện đại, bà Đức cho rằng, có trình độ, nhưng cũng cần phải có bản lĩnh để vượt qua khó khăn và để biết tự giới thiệu bản thân mình. Và cuối cùng, một điều quan trọng không kém là phải luôn duy trì đời sống cá nhân lành mạnh, vui vẻ, lạc quan, tự đánh giá đúng bản thân để đứng vững trước những lời khen tiếng chê.

Liên minh Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam được thành lập tháng 6/2009, là liên minh tự nguyện họat động vì mục tiêu giáo dục cho mọi người tại Việt Nam. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Liên mình, hiện Liên minh đã có 34 hội thành viên tham gia như Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam… 

Hội thảo "Bí quyết thành công của những phụ nữ Việt Nam thành đạt trong lĩnh vực giáo dục và hoạt động xã hội” nhằm hưởng ứng Tuần lễ Giáo dục vì mọi người - hoạt động thường niên diễn ra tại nhiều nước trên thế giới vào tuần đầu tiên của tháng 5 hàng năm.