Những người này nằm trong số 682 lao động của Công ty Vinamex cung ứng cho nhà thầu Hàn Quốc Hyundai Engineering.
Nỗi niềm người thân
Vừa rời khỏi máy bay, dù ai ai cũng muốn gặp người thân, bạn bè đến đón, nhưng tất cả những công nhân về nước đã nán lại, tuân thủ kiểm dịch y tế chặt chẽ tại Sân bay quốc tế Nội Bài theo chương trình phòng chống dịch Ebola.
Lao động Việt Nam tại Libya về đến Sân bay Nội Bài ngày 10/8. Ảnh: Phạm Hùng
|
Có mặt tại Sân bay quốc tế Nội Bài, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có dịp trò chuyện với những người lao động từ “điểm nóng” Libya trở về. Đọng lại sau một năm khổ cực là những ám ảnh khó phai về chiến tranh, bom đạn nơi xứ người. Bày tỏ niềm vui mừng khôn xiết, anh Vũ Văn Thật (quê Hải Dương) cho biết: “Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã được trở về quê nhà. Trước khi về nước, dù được các nhà thầu quan tâm, có phương án đưa về nước nhưng chừng nào còn ở tại Libya, chừng đó chúng tôi còn lo lắng. Chiến tranh, bom đạn, mạng người là những hình ảnh ám ảnh chúng tôi trong suốt những ngày vừa qua. Ngay hôm nay, tôi sẽ bắt xe về để được đoàn tụ cùng gia đình”. Còn anh Hoàng Văn Thành (quê Phúc Thọ, Hà Nội), người từng 2 lần sang Libya làm việc, trong đó năm 2011 anh đã phải về nước trước thời hạn do tình hình chiến sự, và năm đó gia đình chưa thể hoàn vốn cũng như trả nợ được. Vì vậy, anh lại tiếp tục đi lao động, nhưng không may, chiến sự vẫn xảy ra, anh được đưa về nước khi món nợ ngân hàng 50 triệu đồng mà gia đình vay để đóng lệ phí vẫn còn nguyên. Anh lo lắng, chưa biết bao giờ mới trả được hết nợ, nhưng nỗi lo này không lớn bằng những ngày còn ở Libya - nơi tình hình chiến sự căng thẳng có thể cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào.Là một người bố có con đi lao động nước ngoài, khi nghe tin tình hình chiến sự ngày một leo thang tại Libya, ông Đỗ Mạnh Khanh (Thạch Thất, Hà Nội) ngày đêm hoang mang, lo lắng: “Ngày nào tôi cũng xem thời sự, không yên tâm tí nào khi con mình còn ở Libya. Khi thấy nhiều chuyến bay đã đưa người lao động về nước, nhưng chưa thấy con mình được về, vợ chồng tôi đứng ngồi không yên”. Ông Khanh chia sẻ thêm, ông rất cảm động và biết ơn Nhà nước, cũng như các cơ quan chức năng đã hỗ trợ đưa người lao động trở về an toàn. Tuy nhiên, ông mong muốn công ty tiếp tục tạo công ăn việc làm để con ông ổn định công việc và lo trả món nợ mà gia đình đã vay cho con sang Libya từ trước.Chị Nguyễn Thị Trang (quê Tứ Kỳ, Hải Dương) cùng con nhỏ gần 3 tuổi đã đến sảnh sân bay chờ từ sớm để đón chồng là Trần Văn Hùng - cán bộ quản lý lao động. Chị Trang tâm sự: "Chồng tôi gọi điện thoại thường xuyên báo về tình hình Libya. Nơi chồng tôi làm việc không có chiến sự trực tiếp nhưng tâm lý của mọi người cũng rất mong ngóng được sớm về nước". Khi gặp được chồng, vợ, con cái, người thân, những người vừa trở về từ “điểm nóng” Libya đã vỡ òa trong niềm vui mừng khôn xiết.
Tiếp tục hỗ trợ người lao động
Có mặt tại sân bay đón người lao động về nước hôm qua (10/8), Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vấn đề bảo đảm an toàn cho người lao động được đặt lên hàng đầu. Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Libya và các nước lân cận để tính phương án đưa lao động về nước, chủ yếu bằng đường hàng không. Ưu tiên trước mắt là đưa lao động ở vùng chiến sự ra khỏi Libya, phấn đấu trong tháng 8 sẽ cơ bản đưa tất cả số lao động này về nước. Bộ trưởng khẳng định, theo chính sách chung, Bộ sẽ có hỗ trợ đối với các lao động như cho vay vốn, hỗ trợ việc làm cho người lao động.
Anh Hoàng Văn Thành và con trai tại Sân bay quốc tế Nội Bài sáng 10/8. Ảnh: Chiến Công
|
Về thông tin 3 lao động hiện đang mất tích, ông Lương Thanh Quảng - Trợ lý Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao chia sẻ: Hiện, Bộ Ngoại giao và Bộ LĐTB&XH đang tiến hành xác minh vấn đề này. Theo tin của các cơ quan đại diện, 3 lao động này đã tự ý bỏ ra ngoài. Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở sở tại và chủ sử dụng lao động để tìm kiếm họ.
Được biết, 184 lao động về nước hôm qua nằm trong số 682 lao động của Công ty Vinamex cung ứng cho nhà thầu Hàn Quốc Hyundai Engineering. Số lao động nói trên đang làm việc tại dự án "2.000 Housing Projet" ở thị trấn Al-Qubbah thuộc TP Al-Beida, miền Đông Libya, cách khu vực chiến sự Benghazi khoảng 200km.
Trước đó, 682 lao động này dự kiến rời Libya từ ngày 7 - 10/8 bằng máy bay của Hãng hàng không Ai Cập và về Việt Nam bằng máy bay của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc xin phép cho máy bay vào Libya để đón số lao động này nên kế hoạch bị chậm hơn so với dự kiến.
Trong ngày hôm nay (11/8), Vietnam Airlines tiếp tục huy động máy bay gồm Airbus 330-200 và Boeing 777-200 với 250 - 270 ghế để đưa các lao động còn lại về nước.
Đối với việc hỗ trợ lao động trở về, đại diện Công ty Vinamex cho biết, công ty sẽ hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng và xe ô tô đưa lao động đến các bến xe để về quê. Về phía nhà thầu Hàn Quốc, ông Byung Hun Jung - Trưởng Văn phòng đại diện Huyndai Engineering cho biết, nhà thầu sử dụng lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Vietnam Airline và Bộ LĐTB&XH nỗ lực hết sức để đảm bảo đưa 682 lao động mà công ty sử dụng tại Libya về nước an toàn. Trước đó, bên công ty cũng đã chuyển hết lao động Việt Nam từ Libya sang các nước lân cận, chủ yếu là Ai Cập để có phương án đưa lao động về nước. Công ty cũng sẽ hỗ trợ tối đa khi lao động về Việt Nam bằng cách tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam sang các thị trường, các dự án ở các nước khác trên thế giới mà Huyndai Engineering đang triển khai, trong đó có các nước như Malaysia, Philippines, hay các dự án thủy điện tại Lào.
Trước đó, ngày 9/8, chuyến bay mang số hiệu QR 964 của hãng Hàng không Quốc gia Qatar (Qatar Airlines) đã đáp xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, đưa 25 lao động ở Libya về nước an toàn. Đây là những lao động do hai doanh nghiệp là Vinaconex và Simco Sông Đà cung ứng cho nhà thầu NDCC – Libya, làm việc tại TP Benghazi. Do chiến sự leo thang ở TP này, ngày 1/8, họ được nhà thầu NDCC cho phép di tản sang Ai Cập.
Ông Lê Trường Giang - người phát ngôn của Vietnam Airlines cho biết, từ ngày 9 - 11/8, Vietnam Airlines thực hiện tổng cộng 3 chuyến bay đưa khoảng 734 người lao động Việt Nam từ các vùng xung đột tại Libya về nước. Các chuyến bay được thực hiện bằng máy bay Airbus A330 (có 280 chỗ ngồi), hành trình bay dự kiến kéo dài 9 giờ 30 phút đối với chuyến bay Hà Nội - Cairo và 9 giờ 50 phút đối với chuyến bay chiều ngược lại. Mỗi chuyến bay được bố trí 2 tổ lái, 2 tổ tiếp viên (12 tiếp viên) và 3 thợ kỹ thuật. |