Điều đáng lo ngại là nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, đặc biệt là trẻ viêm phổi phải thở máy.
Đa số trẻ nhập viện bị viêm phổi
Bác sĩ Nguyễn Đông Hải - Phó Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, vì số trẻ đến khám đông, ngày cũng như đêm, các bác sĩ phải làm việc hết công suất, có những tối kíp trực hai bác sĩ phải khám cho 50 - 60 bé. Đáng chú ý, nhiều trẻ trong một tháng phải tái khám và nằm điều trị 2 - 3 lần. Điển hình là trường hợp của bé Vũ Gia H. (phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải nằm viện dài ngày. Bà ngoại bé H. cho biết, khi được 7 ngày tuổi cháu đã phải nhập viện do bị viêm phổi nặng, thời gian cháu ở viện nhiều hơn ở nhà, một tháng trở lại đây, bé đã 3 lần nhập viện.
Phòng điều trị tích cực của khoa Nhi - BV Bạch Mai có 10 giường bệnh thì một nửa trong số đó là các cháu bị viêm phổi. Theo bác sĩ Hải, khoảng một tháng nay, thời tiết thất thường, nhiệt độ chênh lệch cao giữa ban đêm và ban ngày khiến những trẻ bị bệnh lý về đường hô hấp tăng cao, nhất là những trẻ dưới 1 tuổi, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt mấy ngày qua, trời chuyển rét đột ngột, lại có mưa, độ ẩm không khí cao khiến nhiều trẻ mắc viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản… “Với những bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh tiến triển rất nhanh. Đáng tiếc là trong số các cháu phải nhập viện điều trị viêm phổi, có nhiều cháu trong tình trạng rất nặng, phải thở máy” - bác sĩ Hải nói.
Không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh
Bác sĩ Hải cho biết, khi virus mới xâm nhập vào cơ thể, các biểu hiện ban đầu mà cha mẹ và người trông trẻ cần biết là trẻ có sốt nhẹ hoặc sốt cao liên tục, đau họng, ho húng hắng, chảy nước mắt, mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc... Nếu không được phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị kịp thời thì bệnh sẽ diễn biến nặng hơn, trẻ sốt cao, li bì, ho tăng lên, có đờm, xuất hiện khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu của bệnh hô hấp, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhà để được tư vấn và có hướng điều trị thích hợp, không nên tự dùng thuốc cho trẻ, đặc biệt không tự ý dùng các loại thuốc giảm ho, kháng sinh vì sẽ gây lu mờ triệu chứng của bệnh và gây khó khăn cho chẩn đoán và điều trị.
Để phòng bệnh cho mẹ, các bác sĩ khuyến cáo, cần đảm bảo nơi ở của trẻ đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt, ấm áp về mùa Đông. Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, mùa đông tắm bằng nước ấm, đảm bảo trong phòng nhiệt độ đủ ấm để tắm cho trẻ, tắm nhanh, lau khô ngay sau khi tắm. Đối với trẻ nhỏ, dùng tưa lưỡi, bông gạc nhúng nước muối nhạt đánh răng, lau miệng hàng ngày. Đối với trẻ lớn, cho trẻ súc miệng hằng ngày bằng nước muối ấm. Khi trong gia đình có người bị cảm cúm, cần cách ly với trẻ để tránh lây lan, nhỏ mũi hàng ngày bằng natriclorit 0,9%. Đồng thời cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nước uống ấm, sữa tươi cũng nên ngâm ấm cho trẻ.
Đối với những trường hợp chuẩn bị mang thai, cần tiêm phòng đầy đủ các mũi cúm, sởi - quai bị - rubella. Khi mang thai, bà mẹ phải khám thai đầy đủ, bảo đảm thai nhi phát triển tốt, nên cho trẻ bú mẹ từ ngay sau khi sinh đến 2 tuổi.