Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trong 3 năm ngành Kiểm sát đã phát hiện hơn 8.700 trường hợp vi phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/11, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Theo đó, trong 3 năm qua, ngành Kiểm sát đã phát hiện 8.715 trường hợp vi phạm, trong đó có 45 trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, 1.017 trường hợp giải quyết không đúng, không đầy đủ, 7.063 trường hợp vi phạm thời gian giải quyết. Đáng chú ý Viện Kiểm sát đã không phê chuẩn 313 trường hợp bắt khẩn cấp; hủy quyết định tạm giữ, không phê chuẩn gia hạn tạm giữ 758 người; hủy quyết định tạm giữ, yêu cầu trả tự do cho 385 người; ban hành 4.111 kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm…
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo trước Quốc hội.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo trước Quốc hội.
Ở lĩnh vực giải quyết án hình sự, trong 3 năm qua, ngành Kiểm sát đã ban hành 3.073 kháng nghị phúc thẩm; Tòa án xét xử chấp nhận 73,3% kháng nghị phúc thẩm; ban hành 341 kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Bên cạnh đó đã đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế chức vụ trọng điểm, phức tạp, được dư luận quan tâm; chủ động phối hợp làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan sai hoặc có đơn khiếu nại kéo dài

Viện đã tổ chức nhiều hội nghị nhằm quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các nghị quyết của Quốc hội về đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong 2 năm (2014-2015), VKSND tối cao đã tổ chức 2 hội nghị toàn Ngành nhằm kịp thời quán triệt, thực hiện kết luận, chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng; kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương. 

Thông qua công tác kiểm sát, đã yêu cầu khởi tố nhiều vụ án tham nhũng; Cơ quan điều tra VKSND tối cao chú trọng phát hiện khởi tố, điều tra nhiều vụ việc tham nhũng trong hoạt động tư pháp như vụ Ngô Văn Anh, Chánh Tòa kinh tế, TAND TP Hải Phòng; vụ Nguyễn Duy Hiệp, Chánh án TAND huyện Thanh Liêm, Hà Nam; vụ án Phạm Văn Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục thi hành án dân sự TP Hội An, Quảng Nam,...

Viện đã chỉ đạo Viện kiểm sát cấp dưới đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo gồm có 57 vụ án về kinh tế, chức vụ và tham nhũng; 29 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Kết quả cho thấy, việc giải quyết các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ đã có nhiều tiến bộ; thời gian giải quyết nhanh hơn, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng; một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình; một số vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, qua đó kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Điển hình, như các vụ: Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội),…