Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trong họa có phúc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trận động đất và sóng thần tại Đông Bắc Nhật Bản hôm 11/3 vừa qua cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người dân xứ sở Phù Tang và làm thiệt hại nặng nền kinh tế nước này. Ước tính, Nhật Bản cần tới 300 tỷ USD để hồi phục nền kinh tế bị thiệt hại bởi động đất.

KTĐT - Trận động đất và sóng thần tại Đông Bắc Nhật Bản hôm 11/3 vừa qua cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người dân xứ sở Phù Tang và làm thiệt hại nặng nền kinh tế nước này. Ước tính, Nhật Bản cần tới 300 tỷ USD để hồi phục nền kinh tế bị thiệt hại bởi động đất. Là một quốc gia phát triển có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, thiệt hại của kinh tế Nhật Bản ảnh hưởng mạnh đến không ít nền kinh tế của những quốc gia có quan hệ giao thương với Nhật và có thể làm chậm lại sự tăng trưởng GDP toàn cầu.

Với Việt Nam, trận động đất kinh hoàng ở Nhật gây tác động cả hai chiều xuất và nhập khẩu. Về nhập khẩu, có thể thấy rõ xu thế tăng giá nhiều sản phẩm "Made in Japan" trên thị trường Việt Nam trong hơn nửa tháng qua. Cũng cần nói thêm là Nhật Bản vốn là nơi cung cấp linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô cho nhiều quốc gia trên thế giới nên sẽ ảnh hưởng tới việc lắp ráp sản xuất các sản phẩm có liên quan ở tất cả những quốc gia đó.

Với Việt Nam, cái đáng lo hơn là việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu sang Nhật năm nay sẽ bị ảnh hưởng. Nhật là đối tác thương mại lớn thứ 4 và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2010, Việt Nam xuất sang Nhật 7,73 tỷ USD tương đương 10,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kế hoạch năm nay là tăng kim ngạch xuất sang Nhật 18% nhưng thảm họa động đất mới đây sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu hàng tiêu dùng của nhiều doanh nghiệp. Theo dự báo nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng của Nhật năm nay sẽ giảm do người dân thắt chặt chi tiêu sau biến cố lớn này. Tất nhiên do thiên tai nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm thiết yếu cũng như nguyên vật liệu cần cho cuộc tái thiết đất nước nhu sắt, thép, xi măng sẽ tăng mạnh.

Dự báo, các mặt hàng như gạo, thủy sản, rau quả, cao su… sẽ có cơ hội tăng xuất khẩu vào Nhật. Riêng thủy sản, trong hai tháng đầu năm ta xuất vào Nhật 105,9 triệu USD tăng 17,2% so cùng kỳ. Thủy sản là mặt hàng ưa chuộng của người Nhật nên khả năng tăng kim ngạch vào thị trường này là rất lớn. Rau quả và gạo chất lượng cao cũng có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu vào Nhật.

Dây cáp điện và máy móc, thiết bị, phụ tùng là hai nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao vào Nhật. Nhật là thị trường lớn nhất của dây cáp điện Việt Nam chiếm tới 67% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Trong hai tháng đầu năm, ta xuất sang Nhật 143,8 triệu USD dây cáp điện và dây điện, tăng 8,6% so cùng kỳ năm trước. Mặt hàng phụ tùng, máy móc, thiết bị cũng đạt 143,54 triệu USD tăng 23,2% so với hai tháng đầu năm 2010. Hai mặt hàng này được đánh giá cũng có cơ hội cao khi sản xuất ở Nhật nhanh chóng phục hồi.

Các mặt hàng tiêu dùng ta xuất vào Nhật có kim ngạch lớn như dệt may, gỗ và giầy dép… có thể bị ảnh hưởng do người dân thắt chặt chi tiêu sau thảm họa. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng do nhà cửa, đồ dùng bị sóng thần cuốn trôi ra biển nên nhu cầu này sẽ tăng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng này cần theo dõi sát tình hình để có ứng phó kịp thời. Biết đâu, trong họa có phúc. Tới đây, khi Nhật Bản tái thiết sau thảm họa sẽ mở ra cơ hội mới cho các DN Việt Nam?