Nhiều nông sản rớt giá, sầu riêng vẫn đắt hàng

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhiều mặt hàng nông sản đang rớt giá thê thảm, kêu gọi "giải cứu" thì trái sầu riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại đang được giá, đem lại lợi nhuận cho bà con nông dân.

Tại huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, hiện đang vào vụ thu hoạch, các loại sầu riêng hạt lép Ri 6 và sầu riêng Monthong được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua từ 45.000-55.000 đồng/kg, cao hơn từ 15.000-20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Có 1 công đất (1.000m2) sầu riêng Ri 6 đang cho trái, ông Nguyễn Văn On (xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền) cho hay, hồi đầu vụ, ông bán tại vườn cho thương lái từ 60.000-65.000 đồng/kg. Hiện do thu hoạch rộ nên giá có giảm nhưng vẫn khá cao, từ 50.000-55.000 đồng/kg. "Năm nay do thời tiết bất lợi nên cây có tỷ lệ đậu trái thấp, dự kiến sản lượng chỉ đạt khoảng 2,7 tấn (năm ngoái 3,2 tấn), song với giá cao, ông kỳ vọng thu lợi khoảng 100 triệu đồng", ông On cho biết.

 Thu hoạch sầu riêng tại Phong Điền, TP Cần Thơ - Ảnh: V.C

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền), sầu riêng hạt lép, nhất là sầu riêng Ri 6, trái có màu sắc sáng đẹp, bắt mắt, ăn ngon ngọt và ít bị sượng, được người tiêu dùng đánh giá rất cao, nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua cung ứng cho trong nước và xuất khẩu. “Năm nay sầu riêng không trúng mùa như năm ngoái nhưng bán có giá và dễ tiêu thụ nên bà con khá phấn khởi, nhất là đang trong dịch Covid-19, nhiều loại nông sản đang bị rớt giá”, ông Tuấn nói.

Phong Ðiền là huyện có diện tích cây ăn trái lớn nhất tại Cần Thơ, với hơn 8.484ha các loại. Trong đó có hơn 1.600ha sầu riêng (hơn 700ha đang cho trái), sản lượng trái mỗi năm có thể đạt hơn 11.700 tấn. Thời gian qua, sầu riêng trồng tại Phong Ðiền được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao và có mẫu mã, chất lượng hơn so với sầu riêng trồng tại một số địa phương khác trong nước. Dự kiến diện tích và sản lượng sầu riêng nơi đây sẽ được nâng cao thêm trong thời gian tới do nông dân tăng diện tích trồng.

Phục hồi hàng ngàn ha sầu riêng bị thiệt hại

Tại Tiền Giang, thủ phủ cây ăn trái của ĐBSCL, đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt mùa khô năm 2019-2020 gây thiệt hại gần 4.500ha sầu riêng, trong đó có đến trên 3.500ha gần như chết trắng, cũng là mức thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay cho sản xuất nông nghiệp do thiên tai tại địa phương.

Sau đó, địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, tích cực đưa ra các giải pháp phù hợp khôi phục vườn sầu riêng, giúp nông dân sớm ổn định cuộc sống. Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam và các ngành hữu quan đã tổ chức hơn 360 cuộc tập huấn cho trên 12.000 lượt nhà vườn về quy trình 5 bước chăm sóc, phục hồi vườn sầu riêng.

 Sầu riêng là một trong những nông sản chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Giang Lam

Theo ngành nông nghiệp Tiền Giang, hiện nay các giải pháp đang phát huy hiệu quả trong đời sống, mùa khô 2020-2021 vừa qua, hạn, mặn không gây thiệt hại đáng kể cho vùng chuyên canh sầu riêng.

Riêng vườn sầu riêng bị thiệt hại do hạn, mặn khốc liệt năm 2019-2020, sau khoảng một năm triển khai các giải pháp chăm sóc, vườn cây đã phục hồi tốt. Hiện các khu vườn bị ảnh hưởng nhẹ (dưới 30%) đã phục hồi hoàn toàn; khoảng 1.000ha (bị ảnh hưởng từ 30-70%) đã phục hồi trên 80%. Đối với diện tích sầu riêng đã chết, nông dân cải tạo trồng mới được gần 2.000ha.

Tiền Giang hiện có gần 15.000ha vùng chuyên canh sầu riêng, tập trung tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, mỗi năm đạt sản lượng trên 300.000 tấn trái, cung ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Với năng suất bình quân 20 tấn trái/ha, giá bán 50.000 đồng/kg, mỗi ha sầu riêng nông dân đạt giá trị sản xuất lên đến hàng tỷ đồng, là cây trồng cho thu nhập cao nhất hiện nay tại địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần