Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trọng tài gặp hạn

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau mỗi vòng đấu, người ta đều nhắc về công tác trọng tài với tất cả sự ái ngại. Hầu như đội bóng nào cũng xảy ra chuyện với trọng tài.

Ngay cả những đội trước nay luôn nêu cao quan điểm không phản ứng với “vua sân cỏ” thì nay cũng thể hiện sự bức xúc. Câu hỏi đặt ra là: Hạn của trọng tài xuất phát từ đâu?

Trăm dâu đổ đầu…

Vòng đấu cuối tuần qua, trên sân Lạch Tray, những cổ động viên trung thành của Hải Phòng đã tranh luận rất nhiều về công tác trọng tài, đặc biệt là những trận đấu có liên quan với đội bóng đất Cảng. Có người nói rằng, một trong những nguyên nhân khiến đội bóng này sa sút, đánh mất lợi thế trong cuộc đua đến ngôi vô địch chính là do công tác trọng tài thiếu công bằng. Các trọng tài thường có những quyết định gây bất lợi, thậm chí là ảnh hưởng đến kết quả của đội bóng. Đỉnh điểm là việc các cổ động viên Hải Phòng đã vây trọng tài sau trận đấu với SHB Đà Nẵng.
Trọng tài gặp hạn - Ảnh 1
Từ lãnh đạo đến cổ động viên đều chỉ trích trọng tài như là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến đội nhà thất bại. Vậy nhưng, cũng có ý kiến khẳng định, trọng tài bắt không đến nỗi tệ. Thậm chí, họ đang bị đối xử không công bằng khi đội bóng không chịu nhìn thẳng vào sự thật: Thua là do yếu hơn đối thủ chứ không phải do trọng tài xử ép. Ý kiến này dẫn chứng là 2 trận đấu mà Hải Phòng bị cầm hòa hoặc thất bại thì trọng tài được kết luận là không mắc sai sót. “Vua sân cỏ” đang bị chỉ trích một cách không đáng có. Và thực tế là Ban tổ chức giải đã cảnh cáo hoặc phạt tiền đội Hải Phòng vì đổ oan cho trọng tài.

Tiên trách kỷ… 

Việc các đội bóng đồng loạt chỉ trích trọng tài và luôn biết cách đổ lỗi cho trọng tài khi đội nhà thua thay vì thừa nhận sự non kém giờ đã thành mốt. Một đội làm được và nhận được sự tán dương của dư luận vốn luôn hoài nghi về trọng tài thì nhiều đội bóng khác cũng té nước theo mưa. Họ chỉ trích trọng tài và coi các ông Vua sân cỏ như biểu trưng của sự hạn chế của sân chơi. Thậm chí, người ta còn kêu gọi chấp nhận tốn nhiều tiền thuê những trọng tài nước ngoài làng nhàng, không tiếng tăm và coi sai sót của họ như một phần cuộc chơi thay vì tin "hàng nội" dù đã đạt đến đẳng cấp quốc tế.

Vấn đề trọng tài ở bóng đá Việt Nam hiện nay là lòng tin dành cho họ chưa bao giờ có. Đó là chưa kể đến việc khi mà sân chơi có quá nhiều phức tạp thì người ta thường nhắm đến lực lượng vốn không được bảo vệ về luật chơi cũng như tình cảm của công luận. Nói đâu xa, khi trọng tài Hà Anh Chiến mắc lỗi chuyên môn thì ngay lập tức VPF làm điều trái luật là xin lỗi… đội SLNA. Ngay lập tức, các đội bóng khác cũng đòi được đối xử công bằng và trọng tài luôn bị “dằn mặt” trong các tình huống gây tranh cãi.

VPF sẵn sàng làm sai luật nếu họ cảm nhận được dư luận và đội bóng sẽ ủng hộ mình trong sự cố của trọng tài. Thành trì bảo vệ cuối cùng của các trọng tài đã bị sụp đổ khi đơn vị quản lý cũng chơi bài "nghe nhạc điệu, ra văn bản". Chưa hết, các tình huống nhạy cảm không được xử lý một cách trọn vẹn khiến uy tín của trọng tài giảm sút. Người ta không đi đến tận cùng vấn đề là khẳng định trọng tài sai về nhận định tình huống hay nhận thức có vấn đề. Và một khi dư luận trở thành quan tòa phán xét sai - đúng của trọng tài thì hạn lớn sẽ đến.